Rất nhiều người bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế từ doanh nghiệp từ “trên trời rơi xuống”. Lỗ hổng nào đang biến họ trở thành giám đốc bất đắc dĩ…
Một buổi sáng đầu tháng 3, anh Ngô Hoàng Vỹ (37 tuổi, quận 12, TP.HCM) cùng gia đình ra sân bay Tân Sơn Nhất để xuất cảnh du lịch. Thế nhưng, tại cửa kiểm tra xuất nhập cảnh, anh bị giữ lại vì lý do “đang đại diện pháp luật cho một doanh nghiệp nợ thuế hơn 400 triệu đồng”.
Anh bàng hoàng: “Tôi chưa bao giờ mở công ty, càng không ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến kinh doanh. Vậy mà tên tôi, số căn cước, địa chỉ đều được ghi rõ trên giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Thật sự khủng khiếp.”
Câu chuyện của anh Vỹ không phải là cá biệt. Cô H.T.N.L, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội, chỉ biết mình đang “làm giám đốc” ba công ty “ma” khi bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do “nợ thuế doanh nghiệp”. Cô sững sờ: “Tôi còn chưa từng bước chân vào phòng đăng ký kinh doanh. Làm sao lại có thể đứng tên ba công ty như vậy?”
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về những câu chuyện này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cả hai nạn nhân đều có điểm chung: họ không hề hay biết mình bị lợi dụng thông tin cá nhân, có thể từ việc giấy tờ bị mất, cầm cố, hoặc khi nộp hồ sơ online, để các đối tượng xấu thành lập doanh nghiệp “ma”. Đến khi hệ thống pháp luật vận hành, họ mới phát hiện mình đang gánh trên vai món nợ hàng trăm triệu, thậm chí có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự nếu công ty bị phát hiện vi phạm.
Thực tế, theo quy định hiện hành, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Người đăng ký chỉ cần bản scan căn cước công dân, mã số thuế cá nhân và một chữ ký số, tất cả đều có thể dễ dàng làm giả, hoặc mạo danh nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt. Hệ thống không yêu cầu gặp mặt đối chiếu trực tiếp, cũng không có bước xác minh sinh trắc học, dẫn tới tình trạng hàng loạt người bỗng trở thành “giám đốc bất đắc dĩ”.
Về mặt pháp lý, người đứng tên doanh nghiệp là người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của công ty. Do vậy, chỉ cần kẻ gian điều hành doanh nghiệp để trốn thuế, buôn bán hóa đơn hoặc chiếm đoạt, người bị mạo danh có thể đối diện với các hệ lụy nghiêm trọng, từ cưỡng chế tài sản, cấm xuất cảnh cho đến nguy cơ bị điều tra hình sự.
Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La nhận định: “Vấn đề không nằm ở cá nhân người dân mà nằm ở cơ chế pháp lý lỏng lẻo. Khi một bản scan căn cước đủ để hợp thức hóa một doanh nghiệp, rõ ràng khâu xác thực danh tính trong quy trình thành lập công ty gần như bị bỏ trống.”
Theo Luật sư Biên, đây không đơn thuần là lỗ hổng kỹ thuật mà là lỗ hổng pháp lý: “Luật pháp đang tạo điều kiện cho sự lách luật có hệ thống, khi không có bất kỳ lớp xác minh nào giữa người lập hồ sơ và người chịu trách nhiệm pháp lý. Cần phải siết lại toàn bộ quy trình xác thực ngay từ khâu khởi sự.”
Cùng chung quan điểm, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law nhận định: “Chúng ta không thể đánh đổi sự thuận tiện bằng rủi ro pháp lý cho người dân. Nếu ngân hàng yêu cầu định danh sinh trắc khi mở tài khoản thì không có lý do gì việc thành lập doanh nghiệp – một hành vi mang tính ràng buộc pháp lý rất cao, lại chỉ cần một file ảnh căn cước.”
Ông Tuấn đề xuất áp dụng bắt buộc định danh điện tử cấp độ cao (eKYC) kèm theo xác thực khuôn mặt hoặc vân tay với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đồng thời, cơ quan đăng ký kinh doanh cần kết nối dữ liệu trực tuyến với ngành công an, thuế, bảo hiểm xã hội để đối chiếu, kịp thời phát hiện bất thường.
Dưới góc nhìn an ninh số, TS Trần Minh Đức – chuyên gia công nghệ và pháp lý số nhấn mạnh: “Danh tính công dân ngày nay là một tài sản số. Một khi hệ thống pháp luật không bảo vệ được danh tính cá nhân, thì mọi giao dịch số đều đứng trước nguy cơ bị lợi dụng”.
Theo TS. Đức, việc cá nhân bị mạo danh trở thành giám đốc công ty “ma” là biểu hiện rõ nhất của sự tụt hậu trong bảo vệ quyền nhân thân thời đại số. “Khi chỉ một bản scan CCCD có thể đưa bạn từ vai trò người dân bình thường thành đối tượng bị điều tra, thì pháp luật không còn làm tròn chức năng bảo hộ nữa, mà trở thành một công cụ vô tình trừng phạt nạn nhân” – TS Trần Minh Đức nói.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, những câu chuyện như anh Vỹ hay cô L. sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng một "lá chắn số", nơi danh tính công dân được định danh, bảo vệ và kiểm soát bởi chính họ.
Trong đó, cần đặt ra yêu cầu pháp lý bắt buộc: mọi hành vi liên quan đến trách nhiệm pháp lý như thành lập doanh nghiệp, phải gắn với xác thực sinh trắc học hoặc hệ thống định danh điện tử cấp quốc gia. Nếu không, sẽ có thêm nhiều người bị cấm xuất cảnh, mất quyền tài chính, thậm chí mang tiếng “giám đốc lừa đảo” chỉ vì sự bất cẩn của hệ thống pháp luật.