Về kế hoạch làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ban ngành, địa phương đề nghị phải có nội dung khảo sát cụ thể, yêu cầu đối tượng chịu giám sát báo cáo rõ ràng, ký tên đóng dấu gắn trách nhiệm.
>>Nghị quyết về hoạt động chất vấn: Cân đối cung cầu xăng dầu, rà soát Luật Đấu giá tài sản
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế, ngày 24/3.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, chỉ ra được địa chỉ và quy trách nhiệm rõ ràng. Lãng phí dẫn đến mất mát, thất thoát nhiều khi còn lớn hơn các vụ tham nhũng lớn nên phải tập trung đánh giá; bám sát quy định, chính sách để chỉ ra kết quả thực hành tiết kiệm.
Trên cơ sở 5 lĩnh vực trọng tâm cần sàng lọc, lựa chọn tạo danh mục một loạt vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội; tránh việc nêu chung chung.
“Báo chí nêu hàng loạt dự án làm nghèo đất nước. Hàng nghìn dự án treo, ruộng để hoang hoá sao không thu hồi được? Ở Tây Nguyên có hồ chứa nước mấy nghìn tỷ đồng làm xong từ lâu mà không sử dụng tưới tiêu, trách nhiệm của ai? Ban hành văn bản khiến thất thoát không nhỏ, gây ách tắc dẫn đến lãng phí nguyên nhân là gì?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và nhấn mạnh nếu xử lý tốt thì đây là nguồn lực rất lớn.
Về kế hoạch làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ban ngành, địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải có nội dung khảo sát cụ thể để yêu cầu đối tượng chịu giám sát báo cáo rõ ràng, ký tên đóng dấu để gắn trách nhiệm.
“Rất khó chỉ ra nơi tiết kiệm tốt, ít lãng phí nhưng rất dễ có bằng chứng chỉ ra cái này không tiết kiệm, cái kia là lãng phí. Công trình nhìn “nứt nẻ”, không dùng được thì không cần chứng minh cũng thấy rõ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quy trách nhiệm ai không báo cáo, báo cáo sai chứ không có chuyện không chịu báo cáo.
>>Có 3 trường hợp được hoãn đưa đi cai nghiện bắt buộc
Thảo luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Đoàn giám sát cần chủ động hơn nữa trong việc tiến hành nghiên cứu, rà soát, tổng hợp thông tin về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí để có dữ liệu so sánh, đối chiếu với văn bản báo cáo của các ban, ngành, địa phương.
Đồng thời, đề nghị Đoàn giám sát quan tâm làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay trong công tác này; cần đánh giá cụ thể, lượng hóa mức độ đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, xác định rõ trách nhiệm thực hiện của các cơ quan đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị báo cáo bổ sung nội dung đánh giá việc thực hiện chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy ở các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương.
Vì phạm vi rất rộng nên nội dung giám sát tập trung vào 5 lĩnh vực trọng điểm dễ sinh lãng phí, thất thoát, như Quản lý, sử dụng NSNN; Quản lý, khai thác và sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày báo cáo đã chỉ rõ: Báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Theo đó, đúng thời gian quy định chỉ có báo cáo của Chính phủ; 31 bộ, cơ quan trung ương; 40 HĐND cấp tỉnh; 40 UBND cấp tỉnh và 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài”, bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết.
Theo đó, nội dung báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được (cơ bản thực hiện tốt); nhận định chung chung, không báo cáo cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát, không định lượng cụ thể số liệu thất thoát, lãng phí trong khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra và báo chí nêu rất nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm.
Thời gian tới, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với 16 bộ ngành trung ương và 6 địa phương. Ngoài ra, Đoàn có thể tổ chức thêm một số Nhóm công tác liên ngành tổ chức giám sát việc quản lý,khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả tại một số địa phương và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.
Nhấn mạnh dư luận cử tri rất quan tâm về kết quả giám sát này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Đoàn giám sát cần chỉ ra nơi nào làm tốt, nơi nào làm không tốt và có ví dụ điển hình.
Có 3 điểm nhấn được bà Lê Thị Nga gợi ý, đó là lãng phí đất đai, hoang hoá, dự án treo. Ngay Hà Nội có khu đô thị sau 10 năm cả khu chỉ có 1 nhà, còn lại cỏ mọc lút đầu, không nhúc nhích; Các dự án dang dở “nằm phơi mưa phơi nắng” và quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công.
“Giám sát sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ khi nêu rõ trách nhiệm, còn chung chung “có nơi, có lúc, có đơn vị” mà không nêu cụ thể thì giám sát không có chuyển biến trong thực tiễn”, bà Lê Thị Nga nói.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ vì sao nhiều bộ ngành, địa phương, đơn vị chưa có báo cáo và phải có cơ chế, chế tài cần thiết để đảm bảo tính nghiêm túc.
“Tại sao bộ ngành, địa phương này báo cáo còn nơi khác lại không báo cáo? Trách nhiệm chủ thể thuộc diện chịu giám sát như thế nào? Đến bao giờ có báo cáo cho Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, chính xác, toàn diện? Nơi nào không đảm bảo tiến độ, không báo cáo thì phải có biện pháp xử lý. Báo cáo chưa đạt yêu cầu thì phải bổ sung, đính chính với số liệu rõ ràng, minh bạch chứ không phải báo cáo để cho có”, ông Trần Thanh Mẫn thẳng thắn.
Về nội dung giám sát, bên cạnh việc nêu ra mô hình hay, cách làm tốt, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phải tập trung giám sát nội dung lớn mà dư luận quan tâm, là nút thắt, điểm nghẽn, bài toán khó chưa có lời giải.
Trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề quyết toán các dự án trọng điểm; dự án sử dụng vốn không đảm bảo hiệu quả, chậm tiến độ, thua lỗ không có khả năng thu hồi vốn.
“Cả nước còn bao nhiêu dự án dang dở và có tiếp tục được hay không? Cầu làm không có đường, đường làm không có cầu lần này có khắc phục được hay không? Con số phải biết nói, “nói có sách, mách có chứng”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Có thể bạn quan tâm
10:37, 24/03/2022
14:14, 24/03/2022