Việc giảm thuế nhập khẩu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất điện khí mà còn mở rộng khả năng tiếp cận nguồn LNG từ nhiều thị trường.
Ngày 31/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế, ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2025.
Cụ thể, Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng quy định tại Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Điều 3 Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, theo các mức thuế suất mới. Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%. Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với LNG từ 5% xuống còn 2% theo Nghị định số 73/2025/NĐ-CP được đánh giá không chỉ là một chính sách tài chính đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, từ năm 2023 đến nay, nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định, cạnh tranh phục vụ sản xuất điện, PV GAS đã nhập khẩu LNG từ các quốc gia có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia – với mức thuế suất ưu đãi 0%. Đối với các nước là thành viên WTO nhưng chưa có FTA với Việt Nam, việc giảm thuế từ 5% xuống còn 2% sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh cho nguồn LNG nhập khẩu từ các thị trường này.
Theo ông Tuệ, về dài hạn, chính sách giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho PV GAS tiếp cận thêm các nguồn cung LNG đa dạng hơn từ những quốc gia chưa có FTA, góp phần tối ưu hóa chi phí nhập khẩu, từ đó giảm giá thành khí cung cấp cho các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp. Người dân và người tiêu dùng cuối cùng cũng sẽ được hưởng lợi thông qua chi phí năng lượng hợp lý hơn.
Cùng với việc giảm thuế nhập khẩu LNG, để thúc đẩy triển khai các dự án LNG nhập khẩu, ông Tuệ nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các kho LNG trung tâm (LNG Hub) với công suất lớn. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò đầu mối cung cấp LNG tái hóa thông qua hệ thống đường ống đến các nhà máy điện lân cận, giúp giảm giá thành sản xuất điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Về cơ chế thu xếp nguồn và tiêu thụ LNG, lãnh đạo PV GAS kiến nghị, cần xây dựng chính sách mua LNG tập trung, dài hạn, với khối lượng phù hợp theo thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và cạnh tranh. Đồng thời, việc hoàn thiện cơ chế bao tiêu LNG nhập khẩu cho các nhà máy điện sử dụng khí cũng được xem là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cũng nhận định, LNG là loại nhiên liệu chuyển tiếp quan trọng trong lộ trình giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống như than đá và dầu mỏ, do đó việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các nhà máy điện khí LNG, khuyến khích phát triển các dự án điện khí sạch – một trong những trụ cột của chiến lược phát triển điện "xanh", bền vững của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo nguồn cung ổn định, chính sách thuế mới còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận được nguồn LNG từ nhiều thị trường khác nhau, tránh sự phụ thuộc vào một vài đối tác truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới biến động mạnh, chuỗi cung ứng dễ bị đứt gãy.