Vướng từ giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách thay đổi đến tính khoa học, thực tiễn là những nguyên nhân khiến hầu hết các dự án trong "siêu dự án" xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc chậm tiến độ…
Tại bài viết trước, chúng tôi đã điểm lại toàn cảnh thực trạng "siêu dự án" xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc đến thời điểm tháng 8/2020, sau hơn 4 năm triển khai. Theo đó, chỉ duy nhất một dự án được đánh giá là có triển vọng với khối lượng đã hoàn thành trên 50%, còn lại các dự án khác đều chưa thể triển khai trên thực tế và đương nhiên, cũng không thể nói đến thời điểm bao giờ có thể kết thúc.
Vậy, nguyên nhân vì đâu mà các Dự án trọng điểm Khu du lịch tâm linh hồ Núi Cốc vẫn “giậm chân tại chỗ”?
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên: Nguyên nhân chậm do rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Cụ thể: Đối với Dự án Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc- di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa (do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư) khó khăn do: Chưa xác định được nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho dự án; dự án phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc do Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện; Phạm vi tác động của dự án lớn, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực và sinh kế của người dân nên cần thiết mời những chuyên gia phản biện dự án, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi, môi trường.
Ngoài ra, đó còn do Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/1/2020 phân cấp cho địa phương thẩm định nguồn vốn khả năng cân đối vốn, chủ trương đầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) đối với dự án nhóm A (trong mức vốn trung ương hỗ trợ và khả năng cân đối của ngân sách địa phương), vốn trung hạn 2016-2020 trung ương đã phân bổ hết cho các dự án, vốn trung hạn 2020-2025 Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới dự kiến mức phân bổ tương đương giai đoạn 2016- 2020 và phải thực hiện theo ngành trên nhiều lĩnh vực nên khó có thể cân đối mức vốn lớn cho dự án.
Đối với dự án tuyến đường ven Hồ Núi Cốc (đoạn từ điểm cuối đường Bắc Sơn kéo dài đến Đoàn An điều dưỡng 16) được giao cho Sở Giao thông- Vận tải nhưng chưa thể lập đề xuất do phải phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết tuyến đường thuốc Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đang được Bộ Xây dựng lập.
Đối với dự án khu tâm linh do Doanh nghiệp Xuân Trường làm chủ đầu tư thì khó khăn đầu tiên phải tính đến là hơn 2,25ha đất rừng phòng hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn vị tư vấn nghiên cứu thiết kế dự án chưa hoàn thành. Nhà đầu tư cũng chưa hoàn thiện thủ tục về trồng rừng thay thế, chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giác tác động môi trường khu vực thực hiện dự án…
Trong khi đó, dù đã hoàn thành được hơn 50% khối lượng, sau khi giải quyết được vấn đề về phương án xây dựng 2 cầu vượt trên tuyến đường với Bộ Giao thông- Vận tải thì khó khăn chính của dự án là giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân (chưa đồng thuận với phương án bồi thường, thiếu đất tái định cư, chưa bố trí được kinh phí chi trả…) và di dời đường điện 110KV thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Ở khía cạnh tài chính đầu tư, đến thời điểm này tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án đường Bắc Sơn kéo dài là 1.862,7 tỷ đồng (trong đó phần lòng đường đã chi trả 732,1 tỷ đồng, phần dân cư hai bên đường đã chi trả 859 tỷ đồng và phần các khu tái định cư đã chi trả 271,6 tỷ đồng).
Đối với đơn vị thi công đường Bắc Sơn kéo dài đạt 50% giá trị theo hợp đồng (không tính giá trị dự phòng và giải phóng mặt bằng) đạt tương đương khoảng 630 tỷ đồng.
Như vậy, với gần 2.500 tỷ đồng đã được thực chi, đến thời điểm này ngoài việc ổn định chỗ ở cho số dân tái định cư các lợi ích kinh tế mà bài toán hạch toán đầu tư mang lại đang trở thành mối lo cho những người đứng đầu tại địa phương bởi dự án chậm tiến độ, hiệu quả suất đầu tư sẽ thấp, gây nên nhiều khó khăn trong điều hành tại địa phương do còn nhiều dự án “đói vốn” khác đang chờ!
Trong khi đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng: Ngoài nguyên nhân khó khăn do bố trí nguồn vốn từ Trung ương, thì khó khăn lớn nhất khiến "siêu dự án" xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc chậm là bởi có những dự án thực sự trở ngại về tính khoa học, thực tiễn cần phải được các chuyên gia đầu ngành tham vấn như trường hợp chuyển công năng Hồ Núi Cốc từ chức năng chính là trữ nước, điều hòa nước tưới tiêu và phục vụ dân sinh trở thành hồ trữ nước ở mức cao thường xuyên phục vụ du lịch.
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng kính mời quý độc giả tiếp tục đón đọc bài viết tiếp theo: Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 3): Liệu có khả thi?
Có thể bạn quan tâm
04:30, 05/09/2020