Ngoài ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm giảm bởi Việt Nam chưa chuyển đổi mô hình canh tác sản phẩm hữu cơ theo xu hướng phát triển thế giới.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2021 ước đạt 750 nghìn tấn với giá trị đạt 406 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,7 triệu tấn với giá trị 1,48 tỷ USD, giảm 11,3% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
“Điểm nghẽn” gạo hữu cơ
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể sau hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu nhưng ngành hàng lúa gạo vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, ngoài ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, một trong những nguyên nhân chính khiến tổng khối lượng gạo và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam giảm do hiện nay nhiều nước đang siết chặt an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Đặc biệt với các thị trường khó tính như châu Âu thì gạo muốn xuất khẩu được phải đảm bảo an toàn ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng, tức dư lượng hóa học trong gạo phải ở ngưỡng cho phép chưa nói đến việc truy xuất nguồn gốc cũng như sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu…
Thực tế, vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề nan giải của Việt Nam bởi, với một nước có nền nông nghiệp truyền thống như Việt Nam thì sản xuất theo hướng vô cơ đã hình thành từ rất lâu, từ không khí, nguồn nước và đất đã thấm chất hóa học rất nhiều năm, từ đó những hạt gạo làm ra có tồn đọng một lượng hóa chất đáng kể…
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh nhìn nhận, những năm gần đây theo chính sách của Chính phủ và Ðề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" các HTX, doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng các liên kết chương trình trồng lúa sạch, hữu cơ. Tuy nhiên, diện tích sản xuất lúa tập trung rất ít, chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thu mua gạo từ nhiều nguồn, dẫn đến tình trạng không thể có lượng gạo đồng đều về chất lượng để xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, thói quen canh tác từ xa xưa cũng như giá thành của phân bón hữu cơ cũng tác động rất lớn đến việc thay đổi cách canh tác của nông dân.
Ở góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ NN&PTNT thì, hiện tại trong tổng số 17 chỉ tiêu đề ra tại Ðề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" thì ngoài 10 chỉ tiêu đã hoàn thành (Diện tích, năng suất, sản lượng; lượng gạo xuất khẩu, giá trị xuất khẩu; quy hoạch đất lúa, quy hoạch sản xuất theo vùng; chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang hướng chất lượng; nghiên cứu gói kỹ thuật; sử dụng giống xác nhận trở lên; tổn thất sau thu hoạch; lợi nhuận người trồng lúa; phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu; thể chế, chính sách xuất khẩu gạo) vẫn còn bảy chỉ tiêu chưa đạt (Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất và liên kết; giảm lượng giống gieo sạ; giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 30%; cơ giới hóa sản xuất lúa nói chung; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; tỷ lệ gạo xuất khẩu có 20% mang thương hiệu gạo Việt Nam).
Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua - "tác giả" của gạo ST 25 từng chia sẻ: Hàng chục nghìn hộ nông dân ÐBSCL đang thụ hưởng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tuy nhiên vẫn còn nhiều nông dân đang được các công ty thuốc bảo vệ thực vật lớn nhỏ chen lấn nhau khuyến khích sử dụng thuốc nên vẫn khó hình thành một nền nông nghiệp sạch.
Ở khía cạnh khác, GS, TS Võ Tòng Xuân nhận định, số lượng doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh lúa gạo vẫn còn ít. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách riêng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định số 57/2018/NÐ-CP với các quy định mới như: giảm đến mức thấp nhất các TTHC; quy định chính sách ưu đãi sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu tư các dự án về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ..., nhưng các chính sách vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất trên thực tế, nên không dễ dàng thu hút và giữ chân doanh nghiệp lâu dài.
Cốt lõi vẫn là quy hoạch
Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ những yêu cầu này và có những ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cho những vùng gạo hữu cơ như: Thông tư 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012; Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018…
Cùng với đó, Việt Nam ra đời chính sách của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và năm 2020 đã củng cố sửa đổi bổ sung để ra đúng tiêu chuẩn của TCVN hữu cơ. Trước đó chúng ta đã có những nền tảng của VietGap sau đó chúng ta dịch chuyển lên tiêu chuẩn của TCVN hướng đến hữu cơ Châu Âu.
Tuy nhiên, bà Hiếu cho rằng, đến nay vẫn chưa có chế tài cụ thể nào của các cơ quan liên quan hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách không thay đổi quy hoạch vùng trồng, không thay đổi nguồn lực và cần có bảo hiểm nông nghiệp tránh thiên tại… Đồng thời, cần có gói hỗ trợ cho diện tích trồng cụ thể, sản phẩm cụ thể và thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho gạo hữu cơ.
“Bảo Minh đã và đang đang triển khai rất nhiều vùng trồng hữu cơ trong chuỗi liên kết 7 nhà (Cơ quan Nhà nước; Hội dồng khoa học; tổ chức sản xuất vùng trồng; nông dân, HTX; cung cấp hệ thống bán lẻ theo quy trình từ đồng ruộng tới bàn ăn; ngân hàng; cơ quan truyền thông) từ 2015 đến nay” bà Hiếu nói.
Đặc biệt, bà Hiếu cho rằng, nếu Việt Nam có quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương, khu vực và từng loại gạo thì hoàn toàn có thể chủ động cải tạo đất cho vùng trồng đó và kiểm soát được tồn dư tiến tới hữu cơ.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần cho chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ khi đủ điều kiện và có thị trường đầu ra đảm bảo; Xây dựng hoàn thiện quy trình sản xuất gạo hữu cơ phù hợp với các tiêu chuẩn để khuyến cáo người dân, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả vào sản xuất; tích cực triển khai, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển các hình thức đóng gói mẫu mã và nhận dạng sản phẩm gạo hữu cơ để hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
12:01, 07/01/2021
04:50, 16/12/2020
01:54, 03/12/2020
14:32, 03/09/2020
08:30, 06/11/2019