Nhiều giáo viên, những người truyền dạy tri thức đang trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Sự cả tin và thiếu kỹ năng số đã khiến họ rơi vào bẫy của tội phạm mạng.
Ngày 8/4/2025, một giáo viên tại Nghệ An đã mất trắng gần 800 triệu đồng chỉ sau một cuộc điện thoại giả danh cán bộ điều tra. Đối tượng đọc vanh vách thông tin cá nhân, tạo cảm giác tin cậy tuyệt đối. Theo hướng dẫn, nạn nhân tải ứng dụng giả mạo có giao diện giống hệ thống hành chính thật. Chỉ vài thao tác xác thực sinh trắc học, toàn bộ tài khoản ngân hàng của cô giáo này đã bị rút sạch.
Không lâu sau, một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh cũng rơi vào bẫy tương tự. Chỉ vì tin vào một đơn hàng miễn phí và chuyển khoản “phí vận chuyển” 16.000 đồng, cô bị lôi vào chuỗi yêu cầu chuyển tiền liên tiếp, với tổng thiệt hại hơn 150 triệu đồng.
Hai vụ việc không phải cá biệt. Theo các chuyên gia an ninh mạng, tội phạm mạng hiện nay không còn nhắm vào giới đầu tư hay thương nhân, mà đang chuyển hướng sang nhóm công chức, viên chức trong đó giáo viên trở thành “con mồi” lý tưởng. Một phần bởi họ có tâm lý sống kỷ luật, ngại rắc rối pháp lý, dễ bị tác động tâm lý khi được gắn mác “liên quan điều tra”.
Chưa kể, nhiều thầy cô còn thiếu kỹ năng nhận diện các hình thức giả mạo công nghệ cao, dễ rơi vào tình huống bị thao túng. Những chiêu trò như giả danh cơ quan chức năng, mạo danh đơn vị vận chuyển, tạo trang web giả, gửi link chứa mã độc... đều đánh trúng tâm lý lo sợ hoặc cả tin vốn có.
Sự gia tăng các vụ việc liên quan đến giáo viên không còn là hiện tượng cá lẻ. Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, số vụ lừa đảo nhắm vào giáo viên đã tăng nhanh trong hai năm qua, đặc biệt với các nạn nhân ở độ tuổi 35–55. Đây là nhóm tuổi thường không am hiểu nhiều về công nghệ nhưng lại có tài khoản cá nhân có giá trị.
Nguy cơ không chỉ dừng lại ở việc mất tiền. Một số giáo viên còn bị lợi dụng thông tin cá nhân để đăng ký vay, mua hàng trả góp, thậm chí bị đe dọa nếu không “hợp tác”. Nhiều trường hợp mất ăn mất ngủ vì cảm giác bất an, xấu hổ hoặc sợ bị quy trách nhiệm.
Theo Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt, nhiều người nghĩ rằng mình chỉ là nạn nhân, nên làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo sẽ không sao. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.
“Khi một giáo viên tự tay cung cấp tài khoản, mã OTP hoặc cho phép ứng dụng truy cập điện thoại, tức là họ đã mở cửa cho các giao dịch bất hợp pháp xảy ra từ chính tài khoản của mình. Nếu tiền trong tài khoản được sử dụng để chuyển cho các đường dây rửa tiền, lừa đảo hoặc tội phạm công nghệ khác, thì bản thân giáo viên có thể bị xem là người có liên quan. Khi đó, họ bắt buộc phải chứng minh mình bị lừa, rằng họ không biết, không đồng ý, không hưởng lợi. Nếu không chứng minh được, nguy cơ bị điều tra hoặc xử lý hình sự là có thật”, luật sư Luân nói.
Bên cạnh đó, luật sư cũng nhấn mạnh, đây không phải là sự quy kết, nhưng là cảnh báo cần thiết để các thầy cô không quá chủ quan. “Chỉ cần một phút cả tin, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý kéo dài và rất mệt mỏi”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, giáo viên đang đứng trước nguy cơ trở thành điểm yếu trong hệ thống an toàn thông tin của xã hội.
“Tội phạm công nghệ không nhắm vào người giỏi công nghệ, mà tìm đến nhóm ít phòng bị như giáo viên. Họ không được huấn luyện bài bản về an toàn số, không có kỹ năng xác minh thông tin và thường xử lý mọi việc theo cảm tính. Đó là lỗ hổng cực kỳ nguy hiểm”, luật sư Hiệp phân tích.
Theo luật sư Hiệp, nhà trường cần đưa kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến vào các buổi sinh hoạt chuyên môn như một nội dung chính thức. “Cần tập huấn định kỳ, minh họa bằng các vụ việc thật, hướng dẫn xử lý khi gặp sự cố và thiết lập một đầu mối hỗ trợ nội bộ. Đừng để thầy cô đơn độc khi bị lừa”, luật sư Hiệp góp ý.
Thực tế cho thấy, nhiều trường học chưa có chương trình huấn luyện cụ thể về phòng chống lừa đảo trực tuyến. Nhiều nơi coi đây là việc “ở đâu đó, chứ chưa xảy ra với mình”. Chính sự chủ quan đó đã tạo khoảng trống mà tội phạm mạng tận dụng.
Khi người gieo chữ phải cầu cứu vì mất hết tiền tích lũy, thì câu chuyện không còn đơn thuần là “lỗi bất cẩn”. Đó là hệ quả của một khoảng trống trong đào tạo kỹ năng sống giữa thời đại công nghệ và sự thiếu kết nối giữa hệ thống giáo dục – pháp luật – truyền thông.
Chúng ta không thể chỉ khuyên các thầy cô “cẩn thận hơn” như một lời sáo rỗng. Cần có giải pháp cụ thể: xây dựng chương trình tập huấn định kỳ cho giáo viên về an ninh mạng, cập nhật các chiêu trò mới; đồng thời thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý, tư vấn ngay khi có vụ việc xảy ra để bảo vệ kịp thời quyền lợi cho người bị hại.
Tội phạm không phân biệt ngành nghề, trình độ hay đạo đức. Nhưng nếu hệ thống đủ chủ động và tỉnh táo, sẽ không có thêm những cú “click định mệnh” đánh sập cả đời tích cóp của người thầy.