Giày Thượng Đình "ngậm đắng" sau niêm yết

Nha Trang 06/04/2018 06:30

Cùng với diêm Thống Nhất, kem Tràng Tiền, giày Thượng Đình là một trong những thương hiệu vang bóng một thời. Tuy nhiên, tới nay, Giầy Thượng Đình thậm chí không có nổi “của để dành”, cổ phiếu bị nhà đầu tư quay lưng.

Niêm yết trên UPCoM được gần 1 năm nhưng mã chứng khoán GTD của Giầy Thượng Đình gần như mất thanh khoản. Từ mức giá chào sàn 44.000 đồng, đến nay cổ phiếu này chỉ còn 10.000 đồng với quy mô vốn hóa chưa tới 100 tỷ đồng.

Một thời hùng tráng

Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (Giầy Thượng Đình) tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập tháng 1/1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, Giầy Thượng Đình là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình.

Thời kỳ đầu, Giầy Thượng Đình ra đời chủ yếu phục vụ cho quân đội. Xí nghiệp chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Đến năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình. Xí nghiệp mở rộng sang sản xuất giày vải, giày thời trang, giày thể thao cùng các loại dép khác…

Ngay sau khi chuyển mình, Giầy Thượng Đình đã trở thành thương hiệu được ưa chuộng. Trong thời kỳ bao cấp, giày Thượng Đình phổ biến tới mức gần như gia đình nào cũng sở hữu ít nhất một đôi.

Giày bata trắng với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo là sản phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu này. Những đôi giày này phổ biến vì phù hợp nhiều mục đích sử dụng. Trong đó có lao động và thể thao.

Vì vậy, cùng với kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ, diêm Thống Nhất, xe đạp Thống Nhất, cao su Sao Vàng, thuốc lá Thăng Long… Giầy Thượng Đình được xếp vào hàng “huyền thoại” ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng đáng tiếc, tới nay, tất cả các thương hiệu này đều được xếp vào hàng “vang bóng một thời” khi không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của Giầy Thượng Đình chỉ kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 21. Hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA), quá trình gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) là những bước ngoặt với hoạt động của thương hiệu truyền thống này.

Vị thế cạnh tranh sụt giảm hẳn, giầy Thượng Đình chỉ gắng gượng tồn tại và rơi vào tình cảnh “chạy ăn từng bữa”. Công ty cố gắng để không “ăn thâm” vào vốn. Tới nay, Giầy Thượng Đình gần như không có “của để dành”.

Lợi nhuận tóp teo

Năm 2016, giày Thượng Đình đã cổ phần hóa và chuyển đổi thành CTCP Giày Thượng Đình. Tuy nhiên, điều này không giúp kết quả kinh doanh của công ty được cải thiện. Kết thúc năm 2017, doanh thu giày Thượng Đình chỉ còn 203 tỷ đồng, chỉ đạt 2/3 kế hoạch đề ra. Đáng buồn hơn cả, Giày Thượng Đình bất ngờ lỗ tới 13,6 tỷ đồng trong năm 2017, tăng đột biến so với năm trước dù doanh thu và lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân chính do khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên hơn 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận hơn 17 tỷ đồng.

Theo thuyết minh chi tiết, phần gia tăng nằm ở cả năm tiểu mục nhỏ, trong đó tăng cao nhất là chi phí nhân công và dự phòng nợ phải thu khó đòi. Hai khoản mục này ghi nhận lần lượt 17,2 tỷ và 9,7 tỷ đồng.

Việc phải trích lập dự phòng gần chục tỷ đồng, thực tế, đã được báo trước từ thời điểm Giầy Thượng Đình đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào tháng 12/2016.

Trong bản công bố thông tin khi đó, doanh nghiệp này cho biết, tổng nợ xấu tính tới 18/7/2016 đạt hơn 13 tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ hơn 250 triệu đồng.

Trước đó, vào năm 2016, cũng đã chứng kiến một năm kém vui của công ty. Tại thời điểm cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ là 94,8 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu là 93 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa phần vốn góp 93 tỷ đồng của nhà đầu tư chỉ sinh ra lợi nhuận lũy kế 1,5 tỷ đồng.

Giầy Thượng Đình đối mặt với tình trạng tài sản giảm. Cuối năm 2016, tổng tài sản của công ty chỉ đạt 185 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng, tương ứng 15% so với hồi đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền là nguyên nhân chính khiến tài sản của Giầy Thượng Đình đi lùi.

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 của Giầy Thượng Đình là 126 tỷ đồng, giảm 152 tỷ đồng, tương ứng 55% so với năm 2015. Các sản phẩm của công ty ngày càng không được người tiêu dùng quan tâm khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm cạnh tranh có giá và chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, việc các cửa hàng phân phối đặt ngay trước cửa công ty dính nghi án trộn hàng Trung Quốc kém chất lượng cũng khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này.

Nắm đất vàng vẫn... ế ẩm

Điểm tựa hiếm hoi của Giầy Thượng Đình giờ là danh mục bất động sản có giá trị. Công ty đang sở hữu khá nhiều vị trí đất đẹp, trong đó có phần diện tích nhà xưởng nằm quận Thanh Xuân, Hà Nội với diện tích hơn 36.000 m2. Theo thông tin quy hoạch tại Hà Nội, có thể đến 2019, Giầy Thượng Đình sẽ phải di dời ra ngoại thành. Mảnh đất này có thể đem lại cho công ty những khoản lợi nhuận đột biến trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chỉ đem về vài tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, Giầy Thượng Đình trở nên có giá hơn khi thương hiệu này được IPO hồi năm 2015.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi dù có kết quả kinh doanh bết bát, 1,9 triệu cổ phần Giầy Thượng Đình vẫn được 32 nhà đầu tư quan tâm. Có người đặt giá lên tới 55.000 đồng/CP đẩy mức giá bình quân thành công lên tới 44.000 đồng/CP.

Sau phiên đấu giá đáng chú ý đó, Giầy Thượng Đình có thêm nhiều ông chủ. Ông chủ lớn nhất vẫn là UBND thành phố Hà Nội với tỷ lệ nắm giữ lên tới 68,67%. Đứng sau là ông Nguyễn Văn Nam, Thành viên HĐQT công ty (11,08%) và CTCP Đầu tư thương mại Thái Bình (10%).

Thế nhưng, sức nóng của Giầy Thượng Đình chỉ đến đây là… dừng lại. Đến cuối 2016, cổ phiếu GTD của công ty này lên sàn UpCom với giá 44.000 đồng/CP. Trong phiên chào sàn, không có bất cứ cổ phiếu GTD nào được giao dịch. Điều đó xảy ra trong 63 phiên tiếp theo.

Tới phiên 65, GTD giảm sâu xuống chỉ còn 30.000 đồng/CP. Kể từ đó, GTD lập kỷ lục cổ phiếu không có giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ thỉnh thoảng vài phiên GTD mới có vài cổ phiếu được trao tay với mức giá giảm sâu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giày Thượng Đình "ngậm đắng" sau niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO