Doanh nghiệp

Giữ đà phục hồi cho doanh nghiệp

Lê Mỹ 13/10/2024 02:00

Tăng trưởng GDP quý III/2024 của Việt Nam đạt 7,4% là thông tin vô cùng tích cực và tạo phấn khởi cho nền kinh tế nói chung và cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

tcbc-bhbv-2-1-17261297145762036410288.jpg
Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả bão Yagi là vô cùng quan trọng. (Ảnh: Bảo hiểm Bảo Việt đánh giá hiện trường và giám định tổn thất ở doanh nghiệp)

Tuy nhiên, việc nhìn nhận rõ những khó khăn sẽ giúp đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Vĩ mô tích cực hơn dự báo

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 9 tháng đầu 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép.

Đáng chú ý ở góc độ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết trong tháng 9, có khoảng 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 9 tháng, có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV sẽ tốt lên so với quý III.

Ngoài ra, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Còn đó quan ngại

Theo đánh giá của CEL Consulting trên cơ sở khảo sát hơn 216 doanh nghiệp các ngành liên quan tại các địa phương bị ảnh hưởng bão, thì có 44,6% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi trong vòng 1 - 2 tuần nhờ vào việc huy động nguồn lực nhanh chóng. Tuy nhiên, CEL nhấn mạnh thời gian phục hồi thực tế có thể kéo dài.
FiinGroup ghi nhận bão Yagi tác động tập trung vào ngành công nghiệp chính và thiệt hại sẽ tăng khi có dữ liệu đánh giá thống kê đầy đủ, cụ thể là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hậu cần, và du lịch.

Trong đó, ngành logistics bị gián đoạn nghiêm trọng, dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, đẩy giá thực phẩm và vật liệu xây dựng tăng cao, sẽ làm tăng chi phí sản xuất và tăng áp lực lạm phát. Ngoài ra, 2 lĩnh vực chịu tác động lớn của bão Yagi, có thể ảnh hưởng trong 1-2 quý tới, theo FiinGroup, là ngân hàng và bảo hiểm. Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng có tổng dư nợ vay ngắn hạn khoảng 3.952 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,49% tổng nợ ngắn hạn cả nước. Tác động của bão sẽ làm gián đoạn kinh doanh, gây tiêu cực về chất lượng tín dụng, dẫn đến khó khăn về nợ vay, trả nợ.

Tuy vậy, tác động của những chương trình hỗ trợ khá nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận ngân hàng, dự kiến kéo dài 1-2 quý với mức giảm nhẹ 1%, không tác động đáng kể đến thị trường chung.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, cơn bão Yagi đã đặt ra những thách thức đáng kể cho ngành bảo hiểm Việt Nam do số tiền bồi thường bảo hiểm cho những thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng và còn tiếp tục tăng. “Hậu quả bão sẽ làm tăng đáng kể chi phí yêu cầu bồi thường bảo hiểm cho các công ty, dẫn đến những tác động tiêu cực gián tiếp đến các doanh nghiệp tái bảo hiểm, đặc biệt là Vinare thông qua các đối tác của họ”, FiinGroup cho biết.

“Kích thích” đà phục hồi sản xuất, kinh doanh

Với thống kê về số liệu tăng trưởng tích cực của quý III, một chuyên gia cho rằng những hệ quả của bão Yagi có thể sẽ phản ánh rõ hơn trong quý IV/2024. Theo đó, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 143/NQ-CP nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả bão Yagi, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát là vô cùng quan trọng.

Trong đó, từ phía ngân hàng, mặc dù cả hệ thống đã vào cuộc triển khai chủ trương rà soát, đánh giá thiệt và hỗ trợ qua các chương trình lãi suất, tín dụng, nhưng việc cần kíp ban hành một Thông tư riêng về cơ cấu nợ lại chưa hiện thực.

Vị chuyên gia nói trên lưu ý hiện theo đánh giá của World Bank, chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023, trong đó bao gồm có mối quan ngại nợ xấu tăng khi các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch, dự kiến sẽ chấm dứt vào tháng 12/2024. Vì vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ cho ngành ngân hàng giảm áp lực về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay và cân đối lợi nhuận, có thể theo hướng song song kéo dài thêm thời gian của Thông tư 06/2024/TT-NHNN và ban hành Thông tư cơ cấu nợ do bão với thời hạn kéo dài đến năm 2025.

Trước đó, nhìn dài hạn cho tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2024 và 2025, TS Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam, cho rằng việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý Nhà nước toàn diện. Mặc dù ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ thâm hụt nhẹ vào cuối năm 2024, nhưng các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách. “Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn”, ông khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giữ đà phục hồi cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO