Để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” nên bỏ cụm từ “thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương” và thay bằng cụm từ “thuần phong mỹ tục của địa phương”.
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 21/5 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã có những ý kiến đóng góp về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.
Nói về điều 5, Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, ĐB Quốc Khánh đánh giá cao việc tiếp thu tối đa của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra, bởi bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề khó diễn đạt nhưng đã được triển khai hợp lý. Tuy nhiên, ĐB Khánh đề nghị trong khoản 1 của điều 5 nên bỏ cụm từ “thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương” và nên thay bằng cụm “thuần phong mỹ tục của địa phương”, bởi nếu áp dụng quá chi tiết sẽ dẫn tới tình trạng "trăm hoa đua nở" của kiến trúc địa phương.
Đồng quan điểm với ĐB Khánh, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến: “Tại khoản 2 điều 5 có nội dung Ủy Ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc". Tuy nhiên, theo ĐB Tiến, vấn đề đặt ra, đó là hiện có rất nhiều dân tộc sinh sống tại một tỉnh, thành phố khác nhau. Vậy tỉnh, thành phố nào có thể quy định được bản sắc dân tộc theo tiêu chuẩn, tính chất tiêu biểu và đặc trưng kiến trúc Việt Nam. Nếu tỉnh nào cũng quy định thì liệu có sự không thống nhất hay không? Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu”.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 20/05/2019
15:47, 17/05/2019
20:24, 13/05/2019
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến ĐBQH tán thành phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật trình Quốc hội.
Theo đó, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật gồm cả quản lý phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc dân tộc Việt Nam; ý kiến khác lại cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật như Tờ trình của Chính phủ điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc là phù hợp, đã bao quát được các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này.
Để tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc (Điều 6) và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, theo ông Phan Xuân Dũng có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và đã bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, trong đó quy định rõ những hoạt động kiến trúc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích để làm cơ sở thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Về Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ, do đó, không nhất thiết có quy định này trong dự thảo luật.
Về quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc (Điều 5) và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa (Điều 13), nhiều ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.
Đại biểu Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, dự thảo luật đã bổ sung Điều 5 quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.
“Sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo tồn, giữ gìn, khuyến khích kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc vào các quy định có liên quan trong dự thảo Luật, như nguyên tắc hoạt động và yêu cầu quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn, Quy chế quản lý kiến trúc dự thảo luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam đồng thời không làm hạn chế sự sáng tạo trong hành nghề kiến trúc của các kiến trúc sư như các Điều 4, Điều 11, Điều 14”, ông Phan Xuân Dũng cho hay.