Trong bối cảnh các hãng hàng không đang gặp khó, báo lỗ, nợ nặng như Vietnam Airlines thì Vietjet Air lại thông báo đạt lợi nhuận trong quý 1/2021.
Cụ thể, trong quý 1 vừa qua, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 4.048,6 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ, còn doanh thu của riêng công ty mẹ Vietjet Air vào khoảng 2.845 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đã thông báo có lãi sau thuế đạt 123,3 tỷ đồng, trái ngược so với khoản lỗ hơn 989 tỷ đồng vào cùng thời điểm năm ngoái.
Đi sâu vào phần doanh thu trong báo cáo tài chính, có một điểm đặc biệt là doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 154% lên mức 1.394,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietjet không công khai cụ thể phần doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 1.358 tỷ đồng khác đến từ đâu trong báo cáo tài chính. Còn lại công ty lý giải rằng thu nhập đến từ lãi tiền gửi, cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện.
Qua đó, theo lãnh đạo Vietjet thì nhờ khoản thu nhập trên 1.000 tỷ đồng này đã giúp hãng bay phần nào "chống chọi" được cơn bão Covid-19 đang càn quét nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng. Các khoản trên phần nào bù đắp giúp Vietjet bởi hãng cũng ghi nhận lỗ lớn từ lúc dịch bùng phát, nhờ vậy mà doanh nghiệp trở thành công ty hàng không báo lãi hiếm hoi trên thế giới.
Chia sẻ thêm về doanh thu tài chính nghìn tỷ của công ty, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch kiêm CEO Vietjet cho biết: Nguồn thu nhập tài chính khác đến từ việc bỏ tiền đầu tư và thu lợi nhuận từ dự án. Hãng phải tìm tới con đường đầu tư tài chính để bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không.
Cụ thể, một số bất động sản của Vietjet sẽ đem lại tiền mặt bằng việc bán với giá thị trường, công ty cũng cho thuê lại một phần tùy theo nhu cầu. Bà Thảo tiết lộ thêm, số tiền thu về được đầu tư tài chính vào các giấy tờ có giá với độ an toàn cao, tỷ suất lợi nhuận tốt và các dự án đầu tư có khả năng mang lại hiệu quả lợi nhuận và thanh khoản phòng trường hợp hãng cần tiền mặt sẽ có thể thu về được ngay.
Vietjet đã dự đoán đúng về lượng tiền mặt trên thị trường và xu hướng đầu tư vào các ngành bất động sản, chứng khoán hay giấy tờ có giá có thể đem lại tăng trưởng, đây là lý do chính giúp công ty đạt kết quả tài chính tốt.
Trong ĐHĐCĐ vừa qua, ban lãnh đạo Vietjet nhận định năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn nên đã điều chỉnh kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận dựa trên tình hình thực tế, thấp hơn so với kết quả đạt được năm 2020.
Theo đó, hãng bay này dự kiến doanh thu hợp nhất 21.900 tỷ đồng, tăng 20% từ doanh thu vận tải hàng hoá nhưng chỉ tiêu lợi nhuận bỏ ngỏ. Kế hoạch này thấp hơn đáng kể với mức 32.000 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế được đề ra trước khi thời điểm Việt Nam đối mặt với làn sóng bùng dịch thứ 4 vào tháng 5.