Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là trụ cột của thời đại công nghệ số, nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Trong bối cảnh các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và Foxconn gia tăng đầu tư vào Việt Nam, ngành bán dẫn đang trở thành động lực mới của kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, việc thiếu hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực chính là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành. Theo báo cáo từ Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), nguy cơ thiếu nhân lực trong lĩnh vực này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ trọng FDI của Việt Nam trong tương lai.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn tại Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, ngành bán dẫn cần đến hơn 50.000 kỹ sư trong vài năm tới, nhưng hệ thống giáo dục chỉ cung cấp được khoảng 5.000 người/năm.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Việt Nam đã có 20 năm nghiên cứu và phát triển trong ngành bán dẫn, trong đó nhiều đề án lớn đã được đầu tư. Tuy nhiên, việc thiếu điều kiện tiếp cận thị trường và chiến lược thị trường đã khiến các sản phẩm này không được thương mại hóa.
Theo Thứ trưởng để phát triển lĩnh vực này, cách thức đào tạo hiện nay cần phải theo hướng phát triển hệ sinh thái, các trung tâm đào tạo phải gắn liền với các trường đại học và các doanh nghiệp, tức là chỗ nào càng gần doanh nghiệp thì đầu ra càng chất lượng, càng tốt.
Còn PGS, TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhận định rằng, ngành bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với 5 thách thức chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực: Nguồn tuyển sinh yếu, đội ngũ giảng viên thiếu, chương trình đào tạo lạc hậu, thực tập thực hành hạn chế và hạn chế nguồn lực cho các đề án đổi mới sáng tạo.
Để tháo gỡ các rào cản trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các chiến lược đồng bộ từ phía nhà nước, các cơ sở đào tạo, và doanh nghiệp.
Việc xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nhân lực bán dẫn là vấn đề quan trọng nhất. Đó cũng là nội dung chính trong chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, đã được Chính phủ ban hành gần đây. Chiến lược này tập trung vào việc định hướng đào tạo, xác định số lượng, chất lượng nhân lực cần thiết theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi bao gồm hỗ trợ về học phí, học bổng cho sinh viên ngành bán dẫn và cung cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu. Ngoài ra, cần thành lập một cơ quan chuyên trách để phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước.
Theo GS, TS Nguyễn Hoài Nam – Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng, việc đào tạo kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu vi mạch, bán dẫn sẽ được thực hiện ở trình độ đại học, sau đại học theo các hình thức đào tạo chính quy, vừa học vừa làm và đào tạo từ xa. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu các lĩnh vực này sẽ góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về nguồn nhân lực chất lượng cao mà các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đang gặp phải.
Ngoài ra, các trường đại học cũng cần có sự đổi mới mạnh mẽ. Việc thiết kế chương trình học hiện đại là một trong những hướng đi cần thiết. Các cơ sở này cũng cần áp dụng giáo trình quốc tế và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới để xây dựng nội dung đào tạo sát với nhu cầu thị trường.
Hơn nữa, Việt Nam cũng cần tận dụng các mối quan hệ đối tác quốc tế trong việc mời gọi các chuyên gia hàng đầu đến Việt Nam giảng dạy hoặc cố vấn. Hợp tác với các trường đại học và tập đoàn bán dẫn trên thế giới để gửi sinh viên ra nước ngoài học tập và làm việc. Ngoài ra, việc tổ chức các hội thảo quốc tế về bán dẫn tại Việt Nam cũng tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới hợp tác.
Cuối cùng, các doanh nghiệp sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc kết nối đào tạo và thực tế. Các tập đoàn lớn như Intel, Samsung nên tham gia xây dựng chương trình đào tạo tại chỗ hoặc đồng tài trợ các khóa học đặc thù. Mở rộng các chương trình thực tập và tài trợ nghiên cứu ứng dụng cho sinh viên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào việc định hướng nghề nghiệp để sinh viên sớm nhận thức rõ ràng về cơ hội trong ngành.
Nhìn chung, ngành bán dẫn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức song hành. Để vượt qua rào cản về nhân lực, cần có sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục. Đây không chỉ là bài toán về đào tạo, mà còn là bài toán về tương lai kinh tế quốc gia.
[ Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP ]