Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên xem xét tăng vốn cho các NHTM Nhà nước nếu muốn các ngân hàng này duy trì được vị thế chủ đạo trên thị trường tiền tệ trong nước và vươn tầm ra khu vực.
Nỗ lực nhiều…
Theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2020, các ngân hàng phải đảm bảo hệ số án toàn vốn tối thiểu (CAR) là 8%, song theo chuẩn basel II khắt khe hơn nhiều so với những quy định hiện nay. Cụ thể, Thông tư 41 yêu cầu các ngân hàng phải có “đủ vốn” để xử lý cả rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, thay vì chỉ rủi ro tín dụng.
Bởi vậy các chuyên gia cho rằng, khi tính theo các quy định của Thông tư 41, CAR của hệ thống ngân hàng sẽ giảm đi khá nhiều và những nhà băng có CAR ở sát ngưỡng tối thiểu 9% hiện nay có khả năng sẽ không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mới.
Chính vì vậy, trong năm qua các nhà băng rất nỗ lực cải thiện CAR của mình bằng cách tăng vốn cấp 1, vốn cấp 2; song song với đó, các nhà băng cũng tỏ ra thận trọng hơn với việc tăng quy mô tổng tài sản.
Có thể bạn quan tâm
02:53, 10/03/2019
15:30, 11/01/2019
08:49, 01/12/2018
11:40, 16/11/2018
10:11, 26/12/2017
Theo đó, nếu như năm 2017, tổng tài sản của toàn hệ thống tăng tới 17,62%, trong khi vốn tự có và vốn điều lệ chỉ tăng tương ứng 11,64% và 4,91%, thì đến năm 2018, tương quan đã có sự thay đổi. Trong năm qua tổng tài sản của toàn hệ thống chỉ tăng 10,62% (lên 11.064 nghìn tỷ đồng) thì vốn tự có tăng tới 12,89% (lên 806,16 nghìn tỷ đồng), vốn điều lệ tăng 12,47% (lên 576,34 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, đường cong tăng vốn tự có của từng khối cũng rất khác nhau. Với các NHTM Nhà nước, việc tăng vốn điều lệ (vốn cấp 1) gặp nhiều khó khăn do cần phải được chấp thuận của cổ đông Nhà nước. Theo đó, trong năm qua vốn điều lệ của khối này chỉ nhích nhẹ 0,08% lên 147,89 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, giải pháp được các ngân hàng quốc doanh lựa chọn là phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Nhờ đó, vốn tự có của khối này cũng tăng 5,48% trong năm qua lên 268,6 nghìn tỷ đồng.
Đơn cử trong năm qua BIDV đã huy động được tổng cộng 1.010 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Hay như Agrribank, những tháng cuối năm nhà băng này cũng đã huy động được 4.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.
Trong khi đó, các NHTMCP lại đẩy mạnh tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đã có khá nhiều ngân hàng thành công với biện pháp này để tăng vốn trong năm qua; trong đó ấn tượng nhất là Techcombank đã tăng vốn điều lệ tới 3 lần lên gần 35.000 tỷ đồng. Hay như VPBank cũng đã tăng vốn điều lệ thêm 10.500 tỷ đồng lên 25.300 tỷ đồng; MB cũng tăng vốn điều lệ hơn 3.400 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng… Tính chung trong năm qua, vốn điều lệ của khối ngân hàng cổ phần đã tăng thêm 52,44 nghìn tỷ đồng lên 267,23 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 24,42%); vốn tự có tăng thêm 47,56 nghìn tỷ đồng lên 338,18 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 16,36%).
… nhưng chưa như kỳ vọng
Thế nhưng nỗ lực của các nhà băng không đạt được kết quả như mong muốn khi mà CAR của toàn hệ thống trong năm qua vẫn giảm xuống còn 12,14% từ mức 12,23% của một năm trước đó. Trong đó CAR của khối cổ phần giảm từ 11,47% xuống còn 11,24%.
Lý giải về diễn biến này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, đó là do mức độ rủi ro trong tài sản của khối cổ phần tăng cao hơn do các nhà băng này thường chú trọng đẩy vốn vào những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao hơn, song mức độ rủi ro cũng lớn hơn.
Với khối NHTM Nhà nước, dù đã có nhiều cải thiện trong các tháng cuối năm, song CAR của khối này vẫn chỉ giữ được ở mức 9,52% như cuối năm 2017, và thấp hơn nhiều so với mức 9,92% của đầu năm 2017.
Thế nhưng, điều đáng chú ý được chuyên gia ngân hàng trên cảnh báo, đó là nguồn vốn cấp 2 mà các NHTM Nhà nước có được thông qua phát hành trái phiếu là không bền vững. Trong khi đó, mặc dù lãi lớn trong năm ngoái, song các NHTM Nhà nước cũng không thể sử dụng lợi nhuận để tăng vốn được nếu không được cổ đông Nhà nước đồng ý. Trong khi CAR của các ngân hàng quốc doanh hiện vẫn đang ở sát “chỉ giới đỏ” và chắc chắn có nhà băng không thể đáp ứng CAR theo chuẩn mới.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, CAR của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu trong bối cảnh ngân hàng này đã khai thác kiệt các biện pháp tăng vốn tự có (cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2). Chính vì vậy, từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng và hạn chế khả năng cung ứng vốn ra nền kinh tế.
“Vai trò của các NHTM Nhà nước là vô cùng to lớn. Họ không chỉ là công cụ để Chính phủ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết thị trường mà còn giúp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vì mục tiêu an sinh xã hội. Xa hơn nữa, mục tiêu có 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản, nếu không trông vào các NHTM Nhà nước thì trông vào đâu?”, vị chuyên gia trên cho biết và nhấn mạnh, việc cho phép các NHTM Nhà nước giữ lại cổ tức để tăng vốn có thể khiến ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng, song hy sinh lợi ích trước mắt vì lợi ích lâu dài là việc nên làm.
Tuy nhiên, việc cho phép các NHTM Nhà nước giữ lại cổ tức để tăng vốn sẽ làm chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các NHTM Nhà nước. Bởi vậy, việc cho phép NHTM có vốn Nhà nước được giữ lại lợi nhuận, kết hợp với việc thoái bớt vốn Nhà nước nắm giữ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ là giải pháp hữu hiệu.
Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tối thiểu tại các ngân hàng quốc doanh sẽ ở mức 51%, thay vì 65% như hiện nay. |