Gỡ “nút thắt” trong bộ máy tổ chức của đại học

Hồng Hương 06/11/2018 11:33

Giải quyết những "nút thắt" trong bộ máy tổ chức của đại học 2 cấp sẽ là hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy.

Tại phiên thảo luận sáng 6/11 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết những "nút thắt" trong bộ máy tổ chức của đại học 2 cấp sẽ là hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An)

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An)

Có thể bạn quan tâm

  • Tự chủ trong giáo dục còn nhiều bất cập

    05:05, 06/11/2018

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học phải đồng bộ với cơ chế đặt hàng

    20:00, 18/07/2018

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa 7 năm 1993, mô hình Đại học vùng được thành lập với 3 mục tiêu chính là giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung xây dựng đại học thành đại học mạnh, nhưng thực tế trong 24 năm qua mục tiêu này không đạt được.

Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh, nguyên nhân là do đại học bao gồm các trường đại học thành viên và được tổ chức 2 cấp, tức là đại học có bộ máy quản lý riêng của đại học và các trường thành viên lại có bộ máy quản lý riêng của mình đã dẫn đến bộ máy chồng chéo.

Tương tự, nếu ở cấp trên có Ban chức năng nào thì ở dưới các trường thành viên cũng có phòng tương ứng, chính điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực và cũng là nguyên nhân bất cập của mô hình và là sự cản trở phát triển của đại học.

"Việc quy định trong đại học có các trường đại học là đại học khác làm cho cả bộ máy chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Đại học trở thành cấp trung gian và phải hoàn thiện mô hình Đại học quốc gia, đại học vùng," Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.

Cũng theo đại biểu này, các chuyên gia và đặc biệt là Ngân hàng quốc tế đã có khuyến cáo nhận định mô hình đại học 2 cấp như Đại học quốc gia và Đại học vùng chỉ tồn tại ở Việt Nam và không có ở nơi nào trên thế giới.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc phân cấp như hiện tại không tận dụng đầy đủ lợi thế khiến cho tài năng tri thức năng lực hiện đang bị phân tán. Theo ông, Ngân hàng quốc tế góp ý sửa đổi luật lần này theo hướng, nên sắp xếp lại các trường đại học thành viên nằm trong đại học thống nhất một bộ máy, tổ chức để phát triển thành một đại học đa lĩnh vực tiến tới đào tạo và công nhận quốc tế.

"Những bất cập, vướng mắc trong tổ chức bộ máy của mô hình đại học và hệ quả của nó đã tồn tại trong 25 năm, đây là những vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục của Việt Nam được các cơ quan và đại biểu đề cập do vậy tôi kiến nghị Quốc hội sửa đổi bộ máy tổ chức của đại học theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 56, có thể tổ chức bộ máy một cấp, hoặc có thể sắp xếp lại tổ chức bộ máy đại học hoặc có thể bỏ mô hình này," ĐB Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ “nút thắt” trong bộ máy tổ chức của đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO