Đối mới sáng tạo (ĐMST) sẽ quyết định năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa phát huy được yếu tố này do thiếu vốn.
Theo kết quả điều tra trên 8.000 doanh nghiệp của Bộ Khoa học & Công nghệ, nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ĐMST từ phía Nhà nước chưa đến với nhiều doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đổi mới bằng vốn tự có
TS. Hồ Ngọc Luật thuộc Ban Quản lý Tiểu dự án thuộc Dự án Đẩy mạnh ĐMST thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST- NASATI) cho biết, trong số 8.000 doanh nghiệp thực hiện điều tra, có trên 4.000 doanh nghiệp cho biết họ có đổi mới sáng tạo, nhưng nguồn tài chính cho ĐMST của doanh nghiệp (chiếm 60-75% doanh nghiệp) chủ yếu đến từ vốn tự có, vốn nhà nước hỗ trợ chỉ từ 1-2%.
Trong khi đó, hiện nay nhà nước còn có một quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới được hình thành từ năm 2015, đó chính là Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, đang hoạt động không hiệu quả và tốc độ giải ngân quá chậm.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2017, NATIF ký hợp đồng tài trợ cho 21 nhiệm vụ, với tổng kinh phí thực hiện là 774 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 221 tỷ đồng.
Sau 3 năm triển khai, quỹ tiếp nhận và xét chọn 85 nhiệm vụ, với đề xuất thực hiện khoảng 3.674 tỷ đồng, trong đó, dự kiến nguồn chi phí từ ngân sách nhà nước khoảng 1.035 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
18:05, 27/08/2018
04:18, 16/08/2018
19:36, 13/08/2018
Ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cũng thừa nhận, hiện NATIF mới thực hiện được 50% chức năng, chưa đạt như kỳ vọng của nhà nước. Nguyên nhân do sự đổi mới cần phải đồng bộ. Một mình NATIF không thể thực hiện được. Trong thực tế, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ cần thời gian càng sớm càng tốt, trong khi quy trình của NATIF phải mất hàng tháng đến vài năm mới được xét duyệt.
Ngay cả đối với những nhiệm vụ đã được xét duyệt, để nhận được đủ số tiền hỗ trợ, doanh nghiệp còn phải thực hiện nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian. Khi đó, công nghệ mà doanh nghiệp muốn đổi mới có thể đã lạc hậu.
Tiến sĩ Luật nhấn mạnh, chúng ta luôn nghĩ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thế nhưng có đến 40% doanh nghiệp nhỏ trả lời họ ít biết hay không biết bắt đầu từ đâu, đến đầu mối nào để tiếp cận các hình thức hỗ trợ hoặc do các quy trình xét duyệt quá phức tạp.
Quay trở lại kết quả điều tra của Bộ KH&CN đã chỉ rõ nghịch lý là nhóm doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đổi mới sáng tạo. Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước chủ yếu hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn (84,3%), còn 13,3% cho doanh nghiệp nhỏ và 2,28% cho doanh nghiệp vừa.
Đa dạng hóa nguồn vốn
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp ĐMST, là do rủi ro tài chính. “Các doanh nghiệp ĐMST cần phải vượt qua được mốc thời gian ban đầu 1-3 năm, qua được điểm hòa vốn thì các quỹ, ngân hàng mới có thể cho vay, do khi đó chi phí và thu nhập của doanh nghiệp cân bằng”.– TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để có thể có đủ nguồn vốn ĐMST, doanh nghiệp cần một sự tổng hợp về nguồn vốn, không nên quá trông chờ vào một nguồn nhất định. Bên cạnh nguồn vốn tự có, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc hỗ trợ của chính phủ từ các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để các quỹ bảo lãnh tín dụng phát huy hiệu quả, thì các quỹ cần tập trung ở trung ương. Bên cạnh đó, các quỹ cần một nguồn vốn lớn từ ngân sách quốc gia được Quốc hội phê chuẩn mỗi năm để có chi phí bảo lãnh. Ngoài ra, các quy chế, điều kiện của các quỹ bảo lãnh phải thay đổi, bớt khắt khe, muốn như vậy phải loại bỏ quy định các quỹ bảo lãnh phải bảo toàn vốn nhà nước. Khi các quỹ còn lo sợ mất vốn nhà nước, thì không quỹ nào dám bảo lãnh cho doanh nghiệp.