Gỡ “rối” cho doanh nghiệp thực thi chính sách giảm thuế GTGT

DIỄM NGỌC 08/03/2022 05:30

Chuyên gia nhận định, tinh thần "làm ngay, làm luôn" của Chính phủ để hỗ trợ cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp khi giảm 2% thuế GTGT là rất đúng, nhưng việc thực thi vẫn có khó khăn...

>>Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%

Việc thực thi còn “rối rắm”

Đến nay, việc thực thi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% vẫn còn những băn khoăn của doanh nghiệp. Về vấn đề này, bà Bùi Thị Lệ Phương, Giám đốc công ty tài chính kế toán thuế Centax cho rằng, việc giảm thuế thực sự liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, bởi vì họ phải xuất hóa đơn theo mức 8% hay mức 10%, mà nói thì đơn giản nhưng thực thi thì lại khá rắc rối.

Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến nay vẫn còn khó khăn (ảnh: Cao Nguyên)

Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến nay vẫn còn khó khăn (ảnh: Cao Nguyên)

Lý giải về điều đó, vị nữ doanh nhân chia sẻ, nhiều kế toán bày tỏ họ đang cảm thấy rất hoang mang, nếu nói đơn giản như một số quy định trong Thông tư rằng, với hàng hoá chịu thuế suất 5% thì không được giảm trừ, hay 10% mà có thuế tiêu thụ đặc biệt thì cũng không được giảm trừ, những phần đó đã được loại ra. Còn có một phần trong phạm vi 10% vẫn còn “rối rắm” đó là:

Thứ nhất, các doanh nghiệp phải tra mã ngành hàng hóa, mà từ trước đến nay doanh nghiệp không quen sử dụng, vì họ gọi tên hàng hóa chứ không gọi theo mã ngành của Nhà nước ban hành. Trong khi mã ngành này tới 500 trang A4 và việc tra cứu để đưa tên mình vào đúng đã khó, chưa nói đến việc có rất nhiều mặt hàng không có mã ngành vì phát sinh theo nhu cầu kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng chứ không phải nằm theo tên.

Thứ hai, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP rất hay là loại trừ những đối tượng không được giảm, nhưng loại trừ đó cũng không có tên thì họ không biết hàng hóa đó nằm ở đâu? Chẳng hạn có vật liệu không được giảm trừ, nhưng khi sản xuất xong là một thành phẩm chứ không phải là nguyên vật liệu nữa, vậy thành phẩm này có bị loại trừ không thì không có tên trong phần được giảm thuế. Ví dụ cụ thể như người sản xuất bê tông, sản phẩm bê tông được giảm thuế, nhưng sắt không được giảm, cát không được giảm, bê tông thạch cao được giảm, nhưng bê tông cốt sắt thì không được giảm,... Do đó,  từ tết đến giờ có rất nhiều doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi nên làm thế nào, xuất hóa đơn ra sao, thậm chí đến bản thân cán bộ thuế cũng không biết phải giải thích như thế nào để các doanh nghiệp dễ hiểu. Nên các doanh nghiệp buộc phải tra cứu thật kỹ và dùng phương pháp loại trừ để biết các mặt hàng phải xuất hoá đơn ở mức 8% hay 10%.

Thứ ba, có những trường hợp dự án chưa liên quan đến số hóa đơn, mà chỉ liên quan đến dự kiến thu chi đã bị lúng túng, vì thế, khi chính sách đến quá nhanh, chưa lường hết được những thực tế khi đi vào triển khai phức tạp đến mức nào.

“Tuy nhiên, đúng với tinh thần làm ngay, làm luôn của Chính phủ để hỗ trợ cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp là rất đúng, nhưng chính vì cái nhanh quá lại khiến chính sách đưa vào cuộc sống một cách khó khăn, có những cái vẫn chưa khớp nhau.

Đến nay có những doanh nghiệp chưa dám xuất hóa đơn, vì họ không biết mình đang ở tình trạng nào và chính bản thân họ rất dễ bị dính đến câu chuyện vi phạm pháp luật về không xuất hóa đơn đúng thời điểm. Mặt khác, khi Nghị định 15 được đưa ra thì Tổng cục Thuế cũng nói luôn, nếu xuất hoá đơn quá mức sẽ không được khấu trừ, trong khi quy định quản lý thuế trước đây nói rằng, nếu xuất quá là 10% nhưng chứng minh là vẫn đóng thuế 10% thì bên mua hàng sẽ được khấu trừ, như thế cũng rất dễ dàng, vì đằng nào cũng vào túi ngân sách. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng.

Rõ ràng chính sách của chúng ta vẫn còn có những cái rất bất cập, phải chăng chính sách giảm đồng loạt các loại mặt hàng chịu thuế 10% xuống 8% cho dễ. Bởi chính sách đưa vào thực thi phải làm sao dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ làm, còn nếu giống như “cài bẫy” thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình triển khai, mà còn gây hao tốn nguồn lực lao động xã hội”, bà Thu nói.

>>Giảm thuế VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"

Gỡ rối cho doanh nghiệp

Về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh cho biết, gần đây ông nhận được một số thông tin đặc biệt là khu vực kế toán, họ khá lúng túng trong vấn đề xuất hóa đơn. Như phân tích của vị chuyên gia về chính sách này, là “chọn bỏ” chứ không “chọn cho”. Nhưng phải nói rằng, theo nguyên tắc của pháp luật mà trước đây chúng ta hay nói: “Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, nghĩa là tất cả những hàng hóa, dịch vụ, giao dịch không thuộc danh mục không được hưởng hỗ trợ trong Nghị định 15 và Thông tư hướng dẫn, thì nghiễm nhiên là được thực hiện mà không cần có tên trong danh sách được hưởng.

Cán bộ Cục thuế TP Hồ Chí Minh đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho người dân đến liên hệ (ảnh: PLO)

Cán bộ Cục thuế TP Hồ Chí Minh đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho người dân đến liên hệ (ảnh: PLO)

“Còn quy định về mã số, tôi cho rằng hàng hóa dịch vụ thì rất đa dạng, phong phú, phát triển liên tục và chúng ta không thể theo kịp việc áp mã như vậy. Đặc biệt với ngành Hải quan, khi họ có những đợt nhập hàng mà không biết áp mã vào đâu, mã sai lệch thì thuế suất sai, chênh lệch hàng nhiều lần, mà rất nhiều đối tượng sẽ đối mặt với rủi ro pháp luật.

Cho nên, dù chính sách mới thực hiện được một thời gian ngắn, nhưng chắc chắn những khó khăn vướng mắc thì tới đây sẽ vẫn còn thêm khó khăn vướng mắc phải được tập hợp lại để xử lý. Đơn cử như với câu chuyện mã số, chúng ta nên loại bỏ, vì những cơ quan thực hiện việc cấp mã số họ cũng không thể kịp thời cập nhật được các loại hàng hóa phát sinh mỗi ngày theo tiến trình phát triển của nền kinh tế”, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này cũng thường xuyên tuyên truyền, giải thích Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cho Người nộp thuế qua website cũng như các kênh hỗ trợ khác nhau.

Về phản ánh doanh nghiệp không biết mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không, Bộ cho biết, Nghị định 15 đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT và chi tiết tại 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Về nội dung phản ánh liên quan đến giá của hàng hóa tại các chợ dân sinh, đã quy định trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ giảm thuế GTGT.

Còn về ý kiến Bộ Tài chính sớm có Thông tư hướng dẫn chi tiết, để Nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành, do đó, Bộ Tài chính sẽ không ban hành Thông tư hướng dẫn. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 15/2022/NĐ-CP về việc trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn, giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%

    11:00, 19/02/2022

  • Giảm thuế VAT tác động ra sao tới lạm phát năm 2022?

    07:05, 18/02/2022

  • Giảm thuế VAT về 8%: Doanh nghiệp “bối rối"

    16:42, 17/02/2022

  • Người tiêu dùng hưởng lợi thế nào khi giảm thuế VAT xuống 8%?

    14:05, 09/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ “rối” cho doanh nghiệp thực thi chính sách giảm thuế GTGT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO