Đợt thanh tra lần thứ 5 của Uỷ ban châu Âu là thời điểm quan trọng để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" IUU, cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế.
Đó là nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trước nhiều giải pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU cho ngành thuỷ sản Việt Nam.
Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau lần thứ 4, Uỷ ban châu Âu (EC) kiểm tra tại Việt Nam về việc “chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)” và đưa ra 5 nhóm khuyến nghị là một áp lực, thách thức lớn không chỉ đối với 28 tỉnh thành ven biển, mà còn khiến cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhằm gỡ “thẻ vàng” IUU cho ngành thuỷ sản Việt Nam.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng theo ông Mười, đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam tái khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Nếu vượt qua được đợt thanh tra lần này và với kết quả tích cực, Việt Nam không chỉ bảo vệ được thị trường EU mà còn đủ uy tín để có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác với yêu cầu tương tự.
“Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 10/2024, đoàn thanh tra của EC sẽ tiến hành thanh tra thực địa, xem xét gỡ “thẻ vàng” IUU cho thủy sản Việt Nam, tuy nhiên, đến nay Uỷ ban châu Âu vẫn chưa chốt ngày, giờ cụ thể. Song, dự báo đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu được đánh giá là thời điểm quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo "thẻ vàng” IUU không chỉ là một thách thức thực thi Luật Quốc tế, mà còn là một cơ hội để Việt Nam chứng minh chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế”, ông Mười nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho rằng: Hiện nay các tàu đánh cá khi ra khơi đang được lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ; đảm bảo đầy đủ 100% các loại giấy tờ trước khi ra khơi. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn một số tàu cố tình khi ra khơi thì giấy tờ đầy đủ, đúng quy định. Song, khả năng này được đánh giá là khi ra khỏi khu vực kiểm soát của biên phòng thì các tàu thuyền có thể thay đổi người so với ban đầu.
Do đó, ông Buội cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của của các lực lượng chức năng hiện nay là phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ngành chức năng tại các địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phát luật biển cho bà con ngư dân; xử lý nhanh các tình huống xảy ra trên thực địa theo đúng quy định của pháp Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép để khẩn trương gỡ "thẻ vàng” IUU.
Liên quan tới những ảnh hưởng đối với ngành thuỷ sản từ đánh bắt vi phạm IUU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho rằng: Trên thực tế, chúng ta đang đối diện với câu chuyện IUU có nghĩa là chúng ta đang đối diện với việc đánh bắt bất hợp pháp. Do đó, nếu muốn giải quyết triệt để thì riêng bài toán dữ liệu để báo cáo với Uỷ ban châu Âu cần phải công khai, minh bạch. Bởi, hiện nay, nếu chỉ căn cứ vào dữ liệu báo cáo của chúng ta chắc chắn sẽ chưa thể thuyết phục được châu Âu, chưa thuyết phục được thế giới. Vì vậy, đây chính là việc mà Chính phủ phải tập trung xây dựng lại hệ thống dữ liệu, mà dữ liệu ở đây nó phải nằm ngay tại cảng cá vì tất cả các tàu thuyền đều vào đây.
Cũng theo bà Sắc, ở các nước trên thế giới, tất cả các cảng đều có chợ đấu giá hải sản sau đánh bắt. Sở dĩ là chợ đấu giá này sẽ giúp cho cơ quan quản lý có dữ liệu tàu thuyền ra vào cảng. Bên cạnh đó, nếu chợ đấu giá được hình thành ngay tại cảng và được đấu giá thì nó còn giúp cho ngư dân biết được sản phẩm của mình được bán giá tốt nhất. Và đây chính là vấn đề mà Việt Nam cần phải hướng tới để tạo động lực, giúp cho đời sống của người ngư dân được tốt hơn, đủ điều kiện để vươn khơi bám biển tốt hơn.
Bên cạnh đó, bà Sắc cho biết thêm, trong những năm gần đây, các thành viên của Liên minh châu  (EU) đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về khối lượng xuất khẩu, các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, trong chuyến thanh tra lần này sẽ diễn ra theo hình thức “hybrid”, kết hợp giữa đánh giá từ xa và kiểm tra thực địa.
“Với nỗ lực của mình, Hiệp hội đã và đang cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, vận động các doanh nghiệp thủy sản, kiên quyết từ chối thu mua các sản phẩm có nguồn gốc vi phạm khai thác IUU, đồng thời tìm kiếm giải pháp nhằm hỗ trợ, nâng giá trị cho sản phẩm thuỷ sản cho ngư dân”, bà Sắc nhấn mạnh.