Được xem là “giấy thông hành” cho gỗ Việt vào EU, tuy nhiên VPA/FLEGT cùng với yêu cầu thắt chặt nguồn gốc gỗ cũng đặt ra áp lực thay đổi với doanh nghiệp sản xuất trong ngành.
Nắm bắt yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển của ngành lâm nghiệp, mới đây tại Hội nghị “Diên hồng” của ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên với ngành gỗ là Việt Nam trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới.
Ngành gỗ Việt Nam gặp nhiều thách thức khi thực thi VPA/FLEGT
Thách thức thực thi
Thực tế hiện nay, sau khi hoàn tất ký kết Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10 vừa qua, Việt Nam phải cam kết xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS) phù hợp với quy định của EU nhằm xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Ðổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép theo quy định sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp khi xuất khẩu vào EU.
Theo như đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là cơ hội mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế.
“Trước hết là nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang các nước ngoài EU như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12 đến 13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ tư thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nếu những triển vọng mà Vị “Tư lệnh” ngành nông nghiệp nhắc đến được thực hiện tốt thì ngành lâm nghiệp sẽ vượt kế hoạch 11 tỷ USD vào năm 2020 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển rừng.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng để “giấy thông hành” này tạo đà cho sản phẩm gỗ Việt vào EU cũng không hề dễ dàng, thách thức cho việc thực thi luôn là vấn đề tồn tại của không riêng lâm nghiệp mà là tất cả các ngành.
Nói như ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific, thực thi Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải đảm bảo toàn bộ sản phẩm gỗ nằm trong danh mục đã thống nhất với EU, bao gồm sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là các sản phẩm gỗ hợp pháp. "Nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản ấy, Việt Nam không thể đưa đồ gỗ vào tiêu thụ ở nước bạn nữa”, ông Thắng lưu ý. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam mới có 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM).
Ngay cả với những doanh nghiệp có FSC cũng cho biết sẽ gặp khó. Như bà Nguyễn Thị Hồng Thủy - Phó Giám đốc Công ty Thanh Thủy (Bình Định) chia sẻ, mặc dù FSC là gỗ hợp pháp, song việc truy xuất tận nguồn của gỗ FSC là rất khó nếu theo yêu cầu giống như của FLEGT, bởi công ty có thể nhập gỗ từ một hoặc nhiều công ty khác nhau. Theo quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ của FSC sẽ là một chuỗi từng hành trình. Còn đối với FLEGT, họ yêu cầu phải đầy đủ tất cả giấy tờ một lúc. Đây chính là điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Với VPA/FLEGT doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn với gỗ nhập khẩu, còn đối với nguyên liệu là rừng trồng trong nước thì doanh nghiệp không gặp khó khăn gì trong việc chứng minh nguồn gốc gỗ nhập pháp”, bà thủy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
06:38, 13/11/2018
13:49, 29/10/2018
06:30, 25/09/2018
11:30, 08/08/2018
16:24, 07/05/2018
16:04, 17/04/2018
06:02, 24/08/2017
07:23, 21/07/2017
06:30, 09/06/2017
07:00, 25/05/2017
Liên kết doanh nghiệp chủ động nguyên liệu gỗ hợp pháp
Do đó, yêu cầu đặt ra với ngành là mở rộng diện tích rừng được công nhận chứng chỉ FSC, phải có vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng. Bởi thực tế, Việt Nam không còn cách nào khác là phải chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Giải pháp mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ là điều được doanh nghiệp và chuyên gia nhấn mạnh.
“Doanh nghiệp có thể đưa ra được các chính sách tốt cho các hộ dân tham gia liên kết gồm hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ FSC, cam kết thu mua gỗ có chứng chỉ FSC đường kính trên 13cm, cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20% tùy theo chất lượng gỗ, và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC. Hỗ trợ vốn, thành lập ngay nhóm cán bộ hiện trường để trực tiếp hỗ trợ các hộ dân trong quá trình xây dựng và quản lý rừng trồng keo chứng chỉ FSC”, ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ.
Ngoài Scansia Pacific, một số doanh nghiệp chế biến khác như Woodlands hay gỗ Nam Định cũng phát triển theo chiều hướng này. Chính phủ và doanh nghiệp đã xác định được yêu cầu tất yếu và xác định hướng đi, vấn đề còn lại nằm ở sự phối hợp của các địa phương trong tạo cơ chế thuận lợi trong sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình. “Doanh nghiệp đã sẵn sàng, nhưng vẫn cần thêm sự hỗ trợ gián tiếp của cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các địa phương về phát triển vùng nguyên liệu để ngành gỗ có thể vươn xa”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM nhấn mạnh.