Tín dụng - Ngân hàng

“Gỡ vướng” cho vay theo tài sản đảm bảo

Lê Mỹ 19/05/2025 03:16

Mặc dù ráo riết thúc đẩy mở rộng dư nợ cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng trong bối cảnh có rủi ro về chất lượng tài sản và xu hướng tăng nợ xấu.

vay-tin-chap-vib-6.jpg
VIB hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp qua sản phẩm thẻ VIB Business Card với các điều khoản tín dụng tốt hơn.

Theo đó, cho vay dựa trên tài sản đảm trở thành “nút thắt” giữa mục tiêu cải thiện tiếp cận tín dụng của ngân hàng và cơ hội vay vốn của doanh nghiệp.

Thế khó của doanh nghiệp

Tại Nghị quyết 68-NĐ/TW của Bộ Chính trị, một trong những nội dung quan trọng được chỉ đạo là đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Theo đó, Nghị quyết chỉ đạo “rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân. Có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp”.

Có thể nói, Nghị quyết 68-NQ/TW đi trúng vào tháo gỡ các định kiến về doanh nghiệp tư nhân, và đi thẳng để tháo gỡ các thực tế khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay.

Theo ông Gareth Parrington - Giám đốc cấp cao Visa, các doanh nghiệp SME có 2 thách thức: Thứ nhất là hạn chế trong tiếp cận tài chính, tạo ra rào cản trong phát triển tăng trưởng. Thứ hai là tài chính trong hoạt động vận hành kinh doanh. Đặc biệt, các quy trình, thủ tục mất thời gian tạo ra nút thắt trong thủ tục thanh toán và cấp tín dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho biết nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận các chương trình ưu đãi tín dụng và kích cầu, nhất là thời gian xét hồ sơ kéo dài và không có mốc chuẩn hóa về hẹn trả lời, khiến doanh nghiệp mất cơ hội, mất sự chủ động.

42% cũng là con số doanh nghiệp SME khó khăn về tiếp cận tín dụng, theo ông Hồ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc VIB. Ông Long nhấn mạnh tỷ lệ này còn tăng rất cao trong bối cảnh bất ổn vĩ mô toàn cầu, hay tác động của thuế quan…

Đa dạng cách thức gỡ “nút thắt”

Hiện thực hóa Nghị quyết 68-NĐ/TW, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho biết ACB đang thực hiện đồng loạt các giải pháp về nguồn vốn triển khai gói hỗ trợ tổng quy mô 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho SME, 20.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp theo chương trình 500 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Các gói có lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 2% trở lên. Đặc biệt, ACB triển khai cho vay không yêu cầu tài sản thế chấp ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu; tài trợ tín dụng theo chuỗi cung ứng; thấu chi tín chấp cho SME; cấp tín dụng dài hạn để gia tăng năng lực cạnh tranh bền vững…

Trên thực tế, cho vay không yêu cầu tài sản thế chấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều ngân hàng ưu tiên từ trước đến nay. Bởi vì, ngân hàng có thể dễ dàng xem xét trên hợp đồng xuất khẩu, dòng tiền, qua tín dụng thư L/C… Song, một “nút thắt” ở đây là vấn đề hạn mức. Không ít doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do nhu cầu vốn lớn để thu mua hàng hóa, chế biến, gia công, xuất đi hoặc dự trữ hàng theo dự báo giá lên, theo mùa vụ… nhưng hạn mức ngân hàng cấp có giới hạn, doanh nghiệp phải xoay vòng vốn, thu tiền trả nợ cũ, giải ngân mới trong hạn mức.

“Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ đẩy mạnh nới hạn mức cho các doanh nghiệp có uy tín, đặc biệt các những ngành kinh doanh minh bạch xuất xứ, ưu tiên thế mạnh hàng Việt Nam và ít bị tác động thuế quan”, một lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Ở góc độ của một ngân hàng cung cấp các sản phẩm hệ sinh thái ứng dụng công nghệ và đang đẩy mạnh về thanh toán, ông Hồ Văn Long cho biết VIB nhận thấy doanh nghiệp SME còn có khó khăn trong chuyển đổi số và quản trị tài chính. Do đó, ngân hàng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp qua sản phẩm thẻ VIB Business Card với các điều khoản tín dụng tốt hơn, hỗ trợ ngoại hối và công cụ quản lý chi phí tối ưu.

Nhìn chung, ông Gareth Parrington nhận định đa số các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Việt Nam còn dựa vào tín dụng để phát triển, nhưng lại gặp rào cản về thủ tục, chứng từ phức tạp, kéo dài. Dù đã xuất hiện các nền tảng số trong cấp tín dụng nhưng phần lớn vẫn theo phương thức truyền thống. Do đó, ông kỳ vọng với hơn 40% doanh nghiệp SME chấp nhận thanh toán thẻ từ khách hàng và hơn 2/3 doanh nghiệp nhận ra tác động tích cực từ thanh toán số, việc tích hợp các phương thức thanh toán số vào cấp vốn tín dụng sẽ giúp khơi mở dòng tiền cho doanh nghiệp.

Dù vậy, để phát huy hiệu quả hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng phi tài sản đảm bảo, theo ông Từ Tiến Phát, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển quỹ bảo lãnh doanh nghiệp làm bệ đỡ trung gian.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng đối với các chương trình tiếp cận vốn kích cầu của địa phương, ngân hàng và các tổ chức đầu mối cho vay phải tiếp tục đơn giản hóa quy trình thẩm định và phê duyệt vốn, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Gỡ vướng” cho vay theo tài sản đảm bảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO