Nghị định 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2018, được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước, nhằm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp.
Việc sửa đổi cách thức bán vốn nhà nước theo quy định tại Nghị định 32 nhằm bịt “lỗ hổng” pháp lý dẫn đến việc bán vốn nhà nước không công bố thông tin hoặc ngay từ đầu thương vụ đã tính đến hình thức “bán thỏa thuận trực tiếp”, làm mất đi cơ hội tham gia đấu giá cạnh tranh của nhiều nhà đầu tư.
Vướng mắc nhìn từ VNR
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận Tải yêu cầu Tcty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã dừng ngay việc triển khai việc thoái vốn tại Cty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn.
Lý do khiến VNR phải tiến hành “phanh đột ngột” là do phương án thoái vốn tại khách sạn 3 sao nằm tại 2 lô đất “vàng” 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu có nhiều điểm không phù hợp, thiếu công khai, minh bạch. Trong đó, nổi cộm là việc đánh giá lợi thế thương mại và quyền thuê đất trong vòng 50 năm của lô đất 1.005 m2 làm cơ sở cho việc góp vốn chỉ vỏn vẹn 28,2 tỷ đồng, tương đương 28 triệu đồng/m2.
Như vậy, chỉ cần tính lợi thế trên mục đích sử dụng hiện tại là khách sạn 3 sao và đang cho thuê văn phòng, điểm kinh doanh, thì lợi thế thương mại cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với đánh giá của VNR về khối tài sản này của Cty TNHH hai thành viên Khách sạn Thương mại Sài Gòn.
Để giải quyết những vướng mắc nói trên, Nghị định 32 quy định, DNNN lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của DNNN đầu tư ra ngoài bao gồm: Giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu, tên thương mại…
Như vậy với trường hợp của VNR khi Nghị định 32 có hiệu lực sẽ giải tỏa vướng mắc khi thoái vốn Nhà nước; đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, vừa khiến cổ đông nhà nước thoái vốn được giá cao nhất …
Giá giao dịch không thấp hơn giá khởi điểm
Nghị định 32 cũng quy định, việc chuyển nhượng vốn tại Cty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo giá giao dịch (giá trên sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.
Quy định này đã giải tỏa vướng mắc bấy lâu nay là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán không được thoái vốn theo hình thức thỏa thuận ngoài sàn với mức giá nhà đầu tư sẵn sàng trả cao hơn giá trên sàn, vừa gây khó khăn cho nhà đầu tư mua cổ phần, vừa khiến cổ đông nhà nước khó thu được lợi ích cao.
Theo đó, khi chuyển nhượng vốn tại Cty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì thực hiện theo thứ tự: Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận (thực hiện giao dịch ngoài sàn)...
Sau khi thực hiện các cách thức như trên mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước cần chuyển nhượng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ vào nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước vẫn theo cách thức giao dịch như trên.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, Nghị định 32 sẽ là động lực mới cho các thương vụ thoái vốn của Nhà nước trong năm 2018. Đồng thời tránh tình trạng Ban lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sử dụng quyền nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp để quyết việc để lại lợi nhuận, không chia cổ tức như từng xảy ra tại nhiều NHTMCP nhà nước trong thời gian qua.
Nghị định 32 ra đời đã bổ sung quy định mới theo hướng quy trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước. “Đây sẽ là những quy định có tác dụng tích cực cho công cuộc thoái vốn nhà nước không chỉ ở các ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối mà mở rộng ra tất cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước trong giai đoạn tới…”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.