Gỡ vướng pháp lý để khai thác “kho vàng” biển số xe

KHÔI NGUYÊN 26/10/2022 03:30

Việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ bị vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, do vậy rất cần những quy định mang tính đặc thù để triển khai…

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây là nội dung được dư luận xã hội quan tâm bởi hiện nay, nhu cầu sở hữu "biển số đẹp" của nhiều người là hiện hữu.

>>Minh bạch quản lý từ thí điểm đấu giá biển số xe

hhiiii

Việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ bị vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao. Ảnh minh họa

Trước đó, đấu giá biển số xe lần đầu tiên được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất vào năm 1993. Sau đó, một số địa phương đã “vượt rào” tổ chức đấu giá biển số xe nhưng lại bị “tuýt còi” vì những vướng mắc liên quan tới pháp lý.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, rào cản pháp lý chính khiến đề xuất này được nhắc tới nhiều lần nhưng vẫn chưa thể thực hiện là do sự mâu thuẫn giữa các luật liên quan. Cụ thể, luật sư Biên cho biết, theo Luật Đấu giá tài sản, biển số xe không thuộc danh mục tài sản đấu giá nên nếu được mang ra đấu giá thì biển số xe sẽ trở thành tài sản cá nhân, khi đó chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán cho người khác. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ năm 2008 lại cấm mua, bán biển số xe.

Do đó, để giải quyết mâu thuẫn về quy định pháp lý và thí điểm đấu giá biển số xe thì giải pháp sẽ là phải sửa luật, hoặc Quốc hội sẽ quyết định và đưa ra nghị quyết mới về triển khai hình thức đấu giá này.

Tuy nhiên, để kết nối các luật và thống nhất quy định về trình tự thủ tục cho việc bán đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ và Luật Quản lý sử dụng tài sản công… cần nhiều thời gian.

“Nếu dự thảo nghị quyết này được thông qua sẽ khơi thông những vướng mắc này, tạo cơ sở triển khai trên thực tế và tổng kết, rút kinh nghiệm để có điều chỉnh phù hợp”, luật sư Nguyễn Đức Biên nói.

>>Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

hihi

Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, vừa giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý kho biển số xe ô tô. Ảnh minh họa

Báo cáo Quốc hội về vấn đề này mới đây, Chính phủ đã đánh giá, việc đấu giá biển số ô tô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, bởi vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.

Để triển khai việc đấu giá biển số xe, có một số vấn đề cần được quy định rõ. Cụ thể, về loại biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá. Nếu quy định đấu giá với tất cả biển số của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xe kinh doanh vận tải và mô tô, xe gắn máy sẽ gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, quy định như dự thảo nghị quyết, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đánh giá là phù hợp với phạm vi thí điểm.

Bên cạnh đó, mức giá khởi điểm của biển số xe ô tô để làm cơ sở đưa ra đấu giá cũng là vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau. Nên có một mức giá chung cho tất cả biển số đưa ra đấu giá hay tùy theo mức độ “đẹp” để có mức giá khác nhau? Dự thảo nghị quyết quy định theo hướng xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, có 2 mức giá khởi điểm của biển số đấu giá là 40 triệu đồng cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 20 triệu đồng cho các địa phương còn lại. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng nhưng thực tế, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia sẽ quyết định giá của biển số đó.

Đáng chú ý, hiện nay, dư luận cũng đang rất quan tâm đến quyền lợi của người trúng đấu giá biển số xe. Điều này cũng tác động đến giá trị của biển số xe sau khi đấu giá thành công. Theo dự thảo nghị quyết, khi chuyển nhượng, cho, tặng xe, người trúng đấu giá được giữ lại biển số và đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Bên cạnh đó, cũng có thể chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế cả xe và biển số, với trường hợp này, biển số sẽ gắn liền với xe, không được tách riêng.

Quy định này nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số, đồng thời, tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ô tô được cấp thông qua đấu giá nếu chủ trương này không được tiếp tục thực hiện sau khi hết thời hạn thí điểm.

Theo các chuyên gia nhận định, nếu dự thảo nghị quyết được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, vừa giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch trong quản lý kho biển số xe ô tô.

Có thể bạn quan tâm

  • Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

    Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe

    05:05, 21/10/2022

  • Minh bạch quản lý từ thí điểm đấu giá biển số xe

    Minh bạch quản lý từ thí điểm đấu giá biển số xe

    05:05, 23/10/2022

  • Sẽ quy định đấu giá biển số xe

    Sẽ quy định đấu giá biển số xe

    15:21, 16/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ vướng pháp lý để khai thác “kho vàng” biển số xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO