Gỡ vướng thể chế để doanh nghiệp ĐBSCL chạy tốt trên "đường cao tốc"

VÂN KIM KHANH 07/07/2020 18:28

Ngày 07/7, Kỳ họp thứ I năm 2020 – Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại TP.Cần Thơ.

Kỳ họp có sự tham gia của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các HHDN Việt Nam - Vũ Tiến Lộc; Chánh Văn phòng VCCI kiêm Chánh Văn phòng Hội đồng Trung ương các HHDN Việt Nam - Phạm Đình Vũ; Giám đốc VCCI Cần Thơ - Nguyễn Phương Lam cùng lãnh đạo HHDN các tỉnh, thành, Hiệp hội các ngành nghề.

Ông Phạm Đình Vũ- Chánh văn Phòng VCCI- Kiêm Chánh văn phòng Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng doanh nghiệp có 2 sự kiện đáng chú ý.

Thứ nhất là tác động của dịch COVID-19 mà theo ông Vũ đã khiến 100% doanh nghiệp bị "nhiễm", đến nay tỉ lệ phá sản cũng rất nhiều.

Thứ hai là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA) vừa được Quốc hội thông qua được xem là "đường cao tốc" để nối thị trường Việt Nam và thị trường châu Âu.

Theo ông Vũ, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như trên, Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra những biện pháp quyết liệt để phục hồi kinh tế.

"Tuy nhiên để đột phá, doanh nghiệp có thể bật như lò xo, làm sao để sơ đồ phục hồi kinh tế không phải hình chữ U mà là chữ V, rõ ràng câu chuyện làm sao tạo ra môi trường an toàn, thuận lợi, chi phí thấp cho doanh nghiệp được coi là bệ đỡ quan trọng để doanh nghiệp bứt phá được như kỳ vọng của Chính phủ", ông Vũ nói.

Về "cao tốc" EVFTA, ông Vũ cho rằng điều đó đặt ra một vấn đề là cải cách mà cụ thể là cải cách thể chế. Doanh nghiệp sẽ không thể nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào thị trường và không thể bứt phá sau đại dịch COVID nếu như vẫn còn tình trạng một rừng điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng lưu ý việc cải cách thể chế, ngoài nỗ lực của Chính phủ thì cộng đồng doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực quản trị của mình và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng.

TS Vũ Tiến Lộc trong phát biểu sáng 7/7/2020 tại cuộc họp ở Cần Thơ

TS Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI phát biểu sáng 7/7/2020 tại cuộc họp ở Cần Thơ

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI  Cần Thơ cho rằng: “ Hiệp hội DN ĐBSCL thành lập nhưng điều kiện làm việc thiếu thốn, chưa phát huy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức. Người lãnh đạo thay đổi, hoạt động của hội bị ảnh hưởng, gián đoạn. Đây là những cái khó mà các Hiệp hội DN ĐBSCL đang gặp phải mà vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết vấn đề cho hiệu quả. Chính vì vậy, trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chưa cao”. TS  Nguyễn Phương Lam cũng báo cáo Chủ tịch VCCI, tháng 9/2020 tổ chức diễn đàn Kinh tế ĐBSCL, và sẽ tổ chức thường niên.  Trong thời gian tới sẽ thành lập văn phòng tại Cần Thơ, quán doanh nhân... tất cả tạo điều kiện tập hợp và thu hút hội viên DN vào hội và nâng cao hoạt động của Hiệp hội.

Đại diện DN cần Thơ phát biểu ý kiến

Đại diện DN cần Thơ phát biểu ý kiến

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, cho biết cuối năm 2019, tỉnh Long An có quyết định tăng giá đất và quyết định này có thể giúp địa phương tăng thu cho ngân sách được nhiều ngàn tỉ đồng. Thế nhưng, việc tăng này liệu doanh nghiệp, nhà đầu tư có đầu tư vào Long An nữa hay không?

ông Võ quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp Hội DN Long An phát biểu ý kiến

Ông Võ quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp Hội DN Long An phát biểu ý kiến

Theo ông Thắng, khi Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An “đấu tranh”, phân tích làm sao để lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cả nhà nước được hài hòa, thì Hội đồng nhân dân tỉnh Long An cũng đã hủy quyết định tăng giá đất. “Nếu không có hiệp hội làm cái này, thì đã không được", ông nói và cho rằng đơn vị này đã mời Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cùng các Sở, ngành liên quan họp để phân tích và báo cáo Hội đồng nhân dân mới được thông qua. “Đây là một trong nhiều vấn đề mà hiệp hội đóng vai trò thúc đẩy”, ông nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Hiệp, phó chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho rằng cần có cơ chế, liên kết các tỉnh thành vùng ĐBSCL mạnh. Ra mắt hội đồng, bàn thêm, có thể có thường trực hay giúp việc, đầu mối, kết nối DN.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Chủ tịch hiệp hội DN Cần Thơ cho biết, Cần Thơ có hơn 8.000 DN nhưng chỉ có 250 hội viên DN. Sau khi hết cách ly, DN tái khởi động đến nay chưa khôi phục. "Sự hỗ trợ của TP và Ngân hàng chủ yếu  trên giấy, giảm thuế và các giảm khác rất ngắn. Ngân hàng giảm lãi suất thêm mẹo, vay phải mua bảo hiểm, mới được duyệt hồ sơ cho vay, tự nguyện nhưng ép, khó, mua 100 triệu đồng bảo hiểm, khi vay, ký hợp đồng bảo hiểm trước ký hợp đồng vay tiền sau", bà Thuận nói.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến về những hoạt động của các lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp ở ĐBSCL, TS Vũ Tiến Lộc, cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL cần phải được hỗ trợ và tạo điều kiện để thời gian tới củng cố hoạt động tốt hơn. Thử thách của doanh nghiệp trong vùng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp này vươn lên, bứt phá trong phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế. ĐBSCL là trung tâm điểm của biến đổi khí hậu, thử thách này cũng là cơ hội cho ĐBSCL, vì nhiều nước có nguồn lực kinh tế muốn giúp cho vùng đất có tiềm năng nhưng bị đe dọa bởi thiên tai, lũ lụt.

Ngoài ra, các hội nghị họp mặt, đối thoại doanh nghiệp, đánh giá chỉ số DCCI (viết tắt của Department and District Competitiveness Index - Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh) nên để cho HHDN các tỉnh, thành chủ trì tổ chức. Ông cũng đánh giá cao khi một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp HHDN ở địa phương, lấy ý kiến doanh nghiệp để đưa ra những chính sách phù hợp thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh;…

Về việc Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ phản ánh DN đi vay tiền hiện nay phát sinh các ngân hàng ép buộc phải “mua bảo hiểm” mới được xem xét, giải ngân, có DN, từ đầu năm đến nay vay tiền bị ép mua bảo hiểm hơn 100 triệu đồng, điều này TS Vũ Tiến Lộc cho biết, qua trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng về sự vụ trên xảy ra ở Cần Thơ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định nghiêm cấm việc ngân hàng ép doanh nghiệp mua bảo hiểm khi vay tiền.

Tại cuộc họp, TS Vũ Tiến Lộc thống nhất 2 tháng Hiệp hội sẽ họp 1 lần. Và trong dịp này TS Vũ Tiến Lộc cũng công bố Hội đồng các Hiệp hội DN ĐBSCL nhiệm kỳ 2020-2025.

Cũng trong chiều ngày 7/7, đã diễn ra Họp mặt thường niên 2020 của đại diện VCCI và doanh nghiệp ĐBSCL và tọa đàm Kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, kịch bản cho ĐBSCL và sự lựa chọn của doanh nghiệp. Hằng trăm đại diện của Hiệp hội DN ĐBSCL đến tham dự và tham gia tọa đàm. VCCI cũng trao chứng nhận hội viên cho hàng 87 hội viên tham gia vào mạng lưới hội viên VCCI, nâng tổng số hội viên tham gia mạng lưới VCCI cả ĐBSCL là 1.000 hội viên.

Theo báo cáo của VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước là 62.049, giảm 7,3% so với cùng kỳ, trong khi đó, ĐBSCL có 4.567 doanh nghiệp được thành lập mới, giảm 3,15% so với cùng kỳ.

Trong tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn từ sản xuất, vốn, tồn kho sản phẩm và lương cho công nhân... Việc thị trường  khởi động nhưng chậm chuyển động đã làm cho nhiều doanh nghiệp lao đao vì ảnh hưởng covid-19.

TS Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI  khẳng định sẽ đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn cho DN nhất là về chính sách, vốn, những vướng mắc về luật pháp...TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế năng động và đề nghị các DN chọn hướng phát triển phù hợp trong điều kiện Covid-19 vẫn chưa chấm dứt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ vướng thể chế để doanh nghiệp ĐBSCL chạy tốt trên "đường cao tốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO