Hàng loạt thông tin tích cực về vaccine COVID-19 đã đến với người dân Việt Nam trong những ngày qua.
1. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra vào chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, để thực hiện mua và tiêm 150 triệu liều vaccine thì cần hơn 25 nghìn tỷ đồng. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ dùng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thông qua xã hội hóa để mua vaccine.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc huy động nguồn cho Quỹ Vaccine phòng COVID-19 đến nay được gần 104 tỷ đồng, Bộ Y tế cũng được tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng để chuyển vào quỹ, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước cam kết ủng hộ quỹ hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, sắp tới sẽ có những hình thức quyên góp, ủng hộ thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đóng góp. Quỹ Vaccine phòng COVID-19 được thành lập nhằm thu hút sự đóng góp tự nguyện của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước phục vụ cho việc mua vaccine phòng COVID-19, trong đó có mua, nhập khẩu, nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ Vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Còn lại ngân sách địa phương chi và phải huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.
2. Quỹ vaccine phòng COVID-19 sẽ ra mắt vào 20h tối nay (5/6) tại Hà Nội. Sự kiện nhằm kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, doanh nhân, mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 với tấm lòng và trách nhiệm vì sức khỏe mỗi người, vì cộng đồng, vì quốc gia, dân tộc và với tinh thần đoàn kết quốc tế, chung tay đẩy lùi đại dịch ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của các tổ chức và cá nhân trong nước cũng như quốc tế để có nguồn kinh phí tiêm vaccine cho nhân dân. Đây cũng là dịp để thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tình cảm, sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế; nâng niu, trân trọng, sử dụng đúng mục đích và công khai, minh bạch từng đồng đóng góp của nhân dân và bạn bè quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, Quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân. Dự kiến, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19, trong trường hợp cần thiết sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Quỹ được hoạt động công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và sẽ công khai để nhân dân biết, giám sát.
3. Bộ Y tế vừa thông tin tại cuộc làm việc với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga về vấn đề vaccine phòng COVID-19 mới đây, Việt Nam đã đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021. “Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vaccine”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Để đảm bảo an ninh vaccine trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là rất cần thiết, vì vậy Bộ Y tế đã giao các đơn vị của Bộ khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
“Trong cuộc đàm phán, phía Nga hoàn toàn ủng hộ những đề xuất này của phía Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và bày tỏ hy vọng những đề xuất này sớm đi vào thực tiễn để đảm bảo vaccine cho Việt Nam trong tương lai.
4. Ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine COVID-19 đầu tiên trong số 80 triệu liều cam kết, Việt Nam trong danh sách các quốc gia nhận vaccine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định, ưu tiên phân phối vaccine cho các nước Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ Latinh, Caribbean và châu Phi. Theo đó, 75% trong số 25 triệu liều vaccine (tức gần 19 triệu liều) sẽ được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX. Trong số đó, 7 triệu liều vaccine cho châu Á sẽ được phân bổ đến các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, và các đảo Thái Bình Dương.
Khoảng 5 triệu liều vaccine được gửi cho châu Phi, phân bổ dựa trên phối hợp với Liên minh châu Phi và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, và 6 triệu liều sẽ được gửi đến châu Mỹ Latin và Caribbean. Số còn lại trong 25 triệu liều vaccine, khoảng hơn 6 triệu, sẽ được chia sẻ trực tiếp các khu vực ưu tiên và đối tác, cũng như nhân viên tuyến đầu của Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi chia sẻ những liều vaccine này không phải để đổi lấy đặc ân hay nhượng bộ. Chúng tôi chia sẻ vaccine để cứu người và dẫn đầu thế giới trong nỗ lực chấm dứt đại dịch, bằng sức mạnh nêu gương cũng như các giá trị của chúng tôi", Tổng thống Biden cho biết.
5. Dự kiến, đầu tháng 6/2021, vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam- Nano Covax sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu lực bảo vệ đối với cộng đồng trước khi cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp. Học viện Quân y đã huy động đông đảo bác sĩ, kỹ thuật viên, học viên tham gia quá trình thử nghiệm để có thể sẵn sàng triển khai cùng lúc trên 10 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Tiêu chí tuyển tình nguyện viên tham gia giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng là những người từ 18-75 tuổi, chỉ cần kiểm tra công thức máu và kháng thể với virus SARS-CoV-2. Những người đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 hoặc có sẵn kháng thể sẽ bị loại khỏi nhóm đối tượng thử nghiệm.
Giai đoạn 3 nhằm mục đích đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với cộng đồng, được thiết kế ở nhiều trung tâm, mở rộng sang các địa phương khác với số lượng mẫu nhiều hơn chỉ với 1 liều tiêm. Dựa theo kết quả đánh giá, Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học chọn tiêm thử nghiệm liều 25 mcg.
TS. Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cho biết, trong giai đoạn 3, đối tượng tiêm thử nghiệm sẽ mở rộng hơn. Đối tượng ở đây có nghĩa là địa bàn, có thể mở rộng đến địa bàn khác như công nhân trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, những vùng hay khu công nghiệp đang có các ca mắc COVID-19 không được lựa chọn thử nghiệm lâm sàng vì sẽ bị hiểu là do tình hình dịch khiến người dân đang quá lo lắng và chấp nhận tham gia nghiên cứu.
Trên tinh thần “thử nghiệm càng nhanh càng tốt” của Chính phủ, Bộ Y tế giao cho các đơn vị thử nghiệm. Nhanh không có nghĩa cắt đoạn, bỏ qua giai đoạn. Bất cứ giai đoạn nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế. Làm rất nhanh nhưng phải rất chuẩn, đưa ra Hội đồng phải phê duyệt được ngay. "Nhìn chung, theo đúng quy trình và từng bước của mỗi giai đoạn, để Bộ Y tế có đủ cơ sở khoa học để có thể cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện vắc xin Nano Covax ở Việt Nam”- GS.TS Trương Việt Dũng cho hay.
*
Những thông tin tích cực kể trên đến với người dân Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng khắp nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Tính đến sáng nay (5/6), Việt Nam có tổng cộng 6.819 ca ghi nhận trong nước và 1.545 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.249 ca. Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng cao hàng ngày, nhưng phần lớn là các ca mắc đã được cách ly từ trước. Điều này cho thấy chúng ta đã từng bước kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh, tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 3/6 vừa qua, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: "Virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khả năng còn có các ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”.
Do đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch. Đồng thời, tiếp tục nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc phương châm “5K + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine (bao gồm mua vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, tổ chức tiêm). Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là đột phá; phòng ngự là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng chống dịch theo phương châm 3 không là: Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm....
Người xưa vẫn nói “muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Tin rằng, với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nước kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19. Và sắp tới, khi có thêm “vũ khí lợi hại” là nguồn vaccine COVID-19 dồi dào, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng "giặc dịch" COVID-19, tận dụng được thời cơ phục hồi, phát triển kinh tế nhanh chóng, mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
18:41, 04/06/2021
11:15, 04/06/2021
22:45, 03/06/2021
22:39, 03/06/2021
19:19, 03/06/2021
19:00, 03/06/2021
14:59, 03/06/2021
14:52, 03/06/2021
11:05, 03/06/2021