Việc có một hệ thống đào tạo học sinh tài năng, tinh hoa để “ươm mầm” đội ngũ dẫn dắt xã hội là cần thiết ở bất cứ hệ thống giáo dục nào.
Chuyện là, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đang khiến dư luận chú ý với ý kiến bán trường Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Ams). Đề xuất này không chỉ với trường hợp của Trường Ams, mà còn mở rộng ra với trường chuyên trên cả nước nên đã tạo ra những luồng trái chiều.
Đúng là, dù vẫn có những xì xào nhỏ to về câu chuyện học bạ “toàn 10” của các thí sinh trước khi bước vào lớp 6 trường Ams, nhưng có một sự thật cần tôn trọng, đó là trong đợt thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, toàn TP Hà Nội có 103 học sinh đoạt giải (15 giải Nhất, 44 giải Nhì, 44 giải Ba) thì trường Ams có tới 76 học sinh.
Suy rộng ra, thành tựu các trường chuyên đạt được tạo ra một điểm nhấn về chất lượng giáo dục của cả nước. Trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế, trường chuyên thường gặt hái được thành tích xuất sắc, nổi bật… Trường chuyên cũng là nguồn bổ sung cho đầu vào hệ thống giáo dục Đại học, để từ đó đào tạo ra các tài năng, chuyên gia cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới cho rằng, đề xuất bán, chuyển đổi trường Ams cho tư nhân là hơi cực đoan.
“Cả chặng đường từ khi hình thành đến nay, mái trường này đã đào tạo thành công nhiều nhân tài, phục vụ cho lợi ích của quốc gia. Mặc dù, trên con đường hình thành và phát triển của bất cứ cơ sở giáo dục nào đều khó tránh lúc này lúc khác, cũng có thể có giai đoạn “vấp váp”, nhưng không thể vì điều đó mà lập tức nghĩ tới ngay việc bán hoặc chuyển đổi” - GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích.
Đó là chưa nói đến chuyện, xây dựng các trường chuyên thành hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương.
Vì thế, nếu Hà Nội bán trường Ams, Thanh Hóa bán chuyên Lam Sơn, Nghệ An bán chuyên Phan Bội Châu, Nam Định bán chuyên Lê Hồng Phong, Hải Phòng bán chuyên Trần Phú,... thì các tỉnh không còn gì để nói về nền giáo dục địa phương, đặc thù của thương hiệu giáo dục địa phương.
Có thể thấy, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của tầng lớp tinh hoa, các bậc anh tài ở mọi giới, mọi ngành. Mà đã gọi là tinh hoa thì không có nhiều, tức đó là những con người ở đỉnh cao của tài năng và trí tuệ. Một con người dù thiên bẩm có tư chất thông minh hơn người, nhưng nếu không xuất thân từ một gia đình, môi trường, đất nước có nền giáo dục tốt thì khó trở thành nhân tài mà có khi là ngược lại bị thui chột.
Do vậy, làm sao để giáo dục tạo ra đội ngũ tinh hoa không chỉ Việt Nam quan tâm, mà xu hướng này đã được nhiều nước tiên tiến rất chú trọng nhằm tạo ra những đỉnh cao để cạnh tranh mạnh mẽ trong thế giới khoa học công nghệ đổi mới hàng ngày, hàng giờ.
Đáng nói hơn, ở nước ta, mới có những người trí thức lớn, nói đúng hơn là không đông lắm, nhưng cũng chưa thể nói rằng đã có giới trí thức tinh hoa. Mà chừng nào trí thức tinh hoa chưa thành một giới, nôm na là núi không có đỉnh, thì khó lòng bàn đến “tầm” trí tuệ Việt Nam, tuy đó là điều không hiếm người thành tâm khao khát khẳng định.
Trong khi, trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung, bất cứ lĩnh vực nào, chính bộ phận “mũi nhọn” sẽ có vai trò đầu tàu kéo sự nghiệp chung đi. Xét trong lĩnh vực giáo dục nói riêng, hệ thống trường chuyên đào tạo ra một lực lượng cốt cán cho đất nước.
Chúng ta đã bước vào thời đại cách mạng công nghệ lần thứ tư, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt... Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi toàn cầu, nâng cao được năng lực cạnh tranh thì phải dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài.
Thân Nhân Trung thời Hậu Lê có câu để đời và đúng với mọi thời đại, mọi quốc gia: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia; nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”.
Chính vì vậy, việc phải có một hệ thống đào tạo học sinh tài năng, tinh hoa để “ươm mầm” đội ngũ dẫn dắt xã hội là cần thiết ở bất cứ hệ thống giáo dục nào. Nên đề xuất “xóa sổ” hệ thống trường chuyên là không hợp lý, không phù hợp với yêu cầu của sự phát triển – chí ít là ở giai đoạn này.
(* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Có thể bạn quan tâm
06:09, 24/06/2020
11:05, 23/06/2020