Theo các chuyên gia, đây là một động thái kịp thời, cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang phải thực hiện mục tiêu kép.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt gói hỗ trợ 115.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 này được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những khó do đại dịch COVID-19 gây nên.
Có thể nói thời điểm hiện tại là thời điểm mà "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất, khi dãy số liệu về tình hình đăng ký kinh doanh chín tháng qua ghi nhận lần đầu có sự sụt giảm 3,2% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới sau chuỗi tăng trung bình 14,3%/năm liên tục 5 năm gần đây. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trung bình mỗi tháng tăng 27,2% so cùng kỳ năm trước, riêng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng kỷ lục 81,8%. Khảo sát của Trường đại học Kinh tế quốc dân (NEU) vừa công bố tại hội thảo khoa học "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế" cho thấy, khoảng 80% số doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.
Doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được gói gia hạn nộp thuế, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp. Nguyên nhân chủ yếu vì doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hỗ trợ, không có thông tin về chính sách và quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ phức tạp, thiếu minh bạch. Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhận hỗ trợ nhưng ngược lại, vẫn còn nhiều chính sách không có tác động như kỳ vọng như hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính.
PGS, TS Bùi Ðức Thọ, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả điều tra cũng phản ánh cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các gói tạm dừng đóng BHXH, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí...
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc Chính phủ ban hành thêm gói hỗ trợ mới trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì dịch bệnh đang có nhiều yếu tố bất định, có thể kéo dài đến hết năm 2021.
Trong khi vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất với tỷ lệ giải ngân còn lại khoảng 75% thì việc gói hỗ trợ lần 2 ra đời sẽ cộng hưởng cùng gói hỗ trợ trước để tiếp tục trợ lực cho nền kinh tế.
Trên thực tế, ngay từ thời điểm ban đầu của dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn; các giải pháp về tài khóa, tiền tệ, tín dụng, an sinh xã hội (như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay…), hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đa số đánh giá các chính sách là rất kịp thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực trạng vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và kiểm soát không để trục lợi chính sách, cần sớm có đánh giá về kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm; đồng thời xem xét đưa ra các giải pháp để thúc đẩy giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng liều lượng.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 10/11/2020
16:00, 20/10/2020
14:03, 15/10/2020
11:00, 15/09/2020