Gói hỗ trợ mới thay gói 16.000 tỷ: Điều kiện "gây khó" doanh nghiệp được gỡ bỏ

PHƯƠNG THẢO 30/10/2020 16:57

Tại phiên họp báo Chính phủ Tháng 10 vừa diễn ra, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, gói hỗ trợ thay gói 16.000 tỷ đã gỡ vướng được điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp.

abc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 30/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2020.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, các tổ chức, đoàn thể, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, mặc dù gặp những khó khăn rất lớn (COVID-19, bão lũ…) chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhiều mục tiêu phát triển KTXH của năm được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Trong khi ổn định xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới bị đe dọa, thì chúng ta được coi là quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất, sớm có được trạng thái bình thường mới, cuộc sống người dân an toàn hơn.

Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: "Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung".

Đồng thời, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, nền kinh tế nước ra đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III, trong khi rất nhiều nên kinh tế phục hồi theo chữ U. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%.

Tính chung 10 tháng, cả nước có gần 11,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 1.594,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng lý là 850,3 nghìn lao động, giảm 2,9% về số doanh nghiệp, tăng 11,1% về số vốn đăng ký và giảm 17% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 37,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,2% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 30,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 12,4%; và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 13,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,1%.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 10, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng có khởi sắc, tăng gần 19% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng trên 10% so với cùng kỳ.

Vấn đề nữa là dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện tiếp tục khôi phục kinh tế. Chúng ta đã xử lý gói hỗ trợ mới thay cho các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15, đặc biệt là gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP (NQ 154) ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 32/2020/QĐ-TTg (QĐ 32) ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày  24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp  khó khăn do đại dịch COVID-19.

Về nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Nghị quyết 154/NQ-CP mới ban hành bỏ điều kiện “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”.

Cụ thể, Nghị quyết 154/NQ-CP quy định: Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu quý liền kề  trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu  vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại khoản  3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng  12 năm 2020 theo thời gian trả lương thực  tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay tối đa 12  tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điểm mới, được đánh giá là gỡ khó được điểm nghẽn của gói 16.000 tỷ trước đây là "Người sử dụng lao động trực tiếp lập hồ sơ vay, tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay vốn, gửi Ngân hàng Chính sách xã hội để hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định".

Ngoài  ra, Nghị quyết 154/NQ-CP cũng sửa đổi nội dung hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ  hưu trí, tử tuất như sau: Người  sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm  từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ  quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn  thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không  hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng  đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 03 tháng kể từ thời điểm nộp  hồ sơ đề nghị xét hưởng.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết: Ngày 19/10 Nghị quyết số 154/NQ-CP được bạn hành thì ngày 20/10, Ngân hàng chính sách đã có hướng dẫn tới tất cả các địa phương về gói cho vay này. Ngày 27/10, Bộ LĐ-TBXH đã có công văn và gửi các địa phương về đôn đốc thực hiện NQ 154 và QĐ 32 của Chính phủ. Tuy nhiên, do NQ 154 và QĐ 32 mới triển khai bắt đầu từ ngày 23 đến nay - tròn 1 tuần, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục, kê khai theo quy định nên hiện giờ chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ này. "Tôi tin rằng tuần tới, với việc đơn giản hóa, "gỡ vướng" trong khâu xác nhận điều kiện, các doanh nghiệp sớm hoàn tất các thủ tục xác nhận, để tiếp cận gói hỗ trợ này" - ông Thanh chia sẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói hỗ trợ mới thay gói 16.000 tỷ: Điều kiện "gây khó" doanh nghiệp được gỡ bỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO