Bất động sản

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân chậm

Vi Anh 15/08/2024 03:06

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, tình hình triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp có một số chuyển biến tích cực, song còn chậm so với kế hoạch.

Ảnh chụp Màn hình 2024-06-16 lúc 14.50.19
Tính đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo của 53/63 địa phương trên địa bàn cả nước cho thấy, trong quý 2/2024 có 9 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai; trong đó có 3 dự án đã hoàn thành với quy mô 1.120 căn, 01 dự án được khởi công xây dựng với quy mô 395 căn và 5 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 2.876 căn.

Tính từ năm 2021 đến hết quý 2, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn; trong đó 79 dự án đã hoàn thành với quy mô 40.679 căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 111.688 căn; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 409.449 căn.

Lũy kế từ trước đến nay, cả nước có 920 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 717.608 căn; trong đó đã hoàn thành 380 dự án với quy mô 196.471 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 111.688 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 412 dự án với quy mô 409.449 căn.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-08 lúc 10.44.56
Tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện nay còn rất chậm.

Như vậy, con số 717.608 căn nhà ở xã hội hiện còn khá khiêm tốn so với mục tiêu 1 triệu căn phải đạt được vào năm 2030, theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp đã được Chính phủ phê duyệt.

Liên quan đến triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội hiện nay, Bộ Xây dựng cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm ngân hàng tham gia là TPbank và VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 73 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...

Cũng trong quý này, các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền là 1.234 tỷ đồng, bao gồm 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.

Chỉ ra nguyên nhân giải ngân chậm, các chuyên gia cho rằng do mức lãi suất ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, rất khó kiếm được ngân hàng nào cho vay với lãi suất dưới 10%/năm. Với lãi suất 13% mà doanh nghiệp đang vay để làm dự án hiện nay, hoạt động kinh doanh nhiều khả năng sẽ chịu lỗ do mức giá bán hoặc cho thuê không thể cao hơn thị trường thương mại.

Bên cạnh đó, về phía người mua nhà cũng được cho cần thêm các điều kiện để vay. Như đại diện một ngân hàng chia sẻ, hiện nay người mua vẫn còn gặp những rào cản để tiếp cận nhà ở xã hội như phải được UBND phường, xã xác nhận các điều kiện mới được vay. Điều này khiến nhiều người dân có nhu cầu nhưng vẫn e dè trong việc vay vốn ưu đãi.

Để tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất NHNN Việt Nam tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội. Thời hạn vay từ 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội và động lực để mua nhà.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh thành khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội.

Cùng với đó, nghiên cứu rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà xã hội; nghiên cứu các giải pháp nhằm rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án. Từ đó, tạo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO