Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia đề cập tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp diễn ra tại Đà Nẵng vào sáng 30/5.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức nhằm lấy ý kiến các luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) về các dự án sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất Dự thảo Luật Đầu tư cũng sửa đổi theo hướng minh bạch về thủ tục đầu tư. Trong đó, lọc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, loại bỏ 17 ngành nghề so với luật cũ và sửa đổi 7 ngành nghề. Luật cũng hướng đến mục đích chống chuyển giá, đặc biệt là tránh hoạt động khai giá đầu tư khống để tăng khấu hao, giảm lợi nhuận và né thuế.
Theo đó, dự thảo đã sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 theo hướng bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Các dự thảo sau khi sửa đổi sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Đồng thời làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Hội thảo, dự thảo Luật DN sửa đổi theo hướng như bỏ các thủ tục khắc con dấu ở ngành công an, thông báo thuế, đăng ký lao động, bỏ thông báo thành lập doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, hiện tượng làm hồ sơ giả trong hoạt động đầu tư diễn ra thường xuyên nên cần có quy định chặt chẽ trong hoạt động đầu tư. Nên bỏ quy định đăng ký với Sở KH-ĐT khi DN thay đổi thành viên HĐQT - vì đây là chuyện của DN; luật cần giao toàn quyền và trách nhiệm của DN cho người đại diện theo pháp luật của DN. Tuy nhiên, đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng chủ DN có quyền phân quyền, và như vậy sẽ có nhiều đầu mối chịu trách nhiệm trước pháp nhân.
Ngoài ra, cũng có nhiều góp ý về việc có nên hạn chế DN làm dự án đầu tư nhưng không có vốn; cổ đông có quyền yêu cầu HĐQT thực hiện các quyết định sai hay không…Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.