Trước hàng loạt các câu hỏi được đặt ra từ phía luật sư đại diện cho nguyên đơn, Grab "bí từ" trả lời chung chung khiến chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở và đề nghị Grab trả lời đi vào trọng tâm tránh trường hợp tòa phải hỏi lại.
Grab bí từ!
Luật sư Nguyễn Hải Vân, đại diện bảo vệ quyền lợi cho bên nguyên đơn là Vinasun được hội đồng xét xử cho phép hỏi bên bị đơn về những vấn đề liên qua đến vụ việc.
Luật sư Vân đã liên tiếp đặt câu hỏi: Trong giấy phép kinh doanh mà Grab đăng ký với Sở KHĐT TP HCM thì ngành nghề kinh doanh của Grap là cung ứng dịch vụ phần mềm cho các đơn vị vận tải, nhưng thực tế Grab lại kinh doanh vận tải hành khách giống như các hãng taxi truyền thống thì việc này có hay không?
Việc tăng giá bất thường trong ngày, khuyến mại không đăng ký qua Sở Công thương, không tuân thủ thời gian theo quy định tại Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày là có hay không?
Tuy nhiên đại diện phía Grap chỉ trả lời chung chung “Grab đã thực hiện đúng theo đề án 24 của Bộ GTVT”.
Tiếp tục với những câu hỏi sát hơn và được cho là Grab đã vi phạm nghiêm trong trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, cụ thể: Khi khách hàng đặt một cuộc gọi từ vị trí này tới vị trí kia, và khách hàng đã nhận được hiển thị số tiền từ hệ thống của Grab? Vậy báo giá này ai đưa ra, có phải Grab không? Trong quá trình chở hành khách ai là người ký hợp đồng, hợp đồng này thuộc dạng gì? Số tiền sau khi khách hàng thanh toán sẽ vào tài khoản nào, của hợp tác xã vận tải hay Grab?
Vẫn tiếp tục là những câu trả lời chung chung của vị đại diện Grab khiến chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở và đề nghị Grab trả lời đi vào trọng tâm tránh trường hợp kéo dài thời gian và tòa lại phải hỏi lại, cái gì biết thì phải trả lời, có hay không – chủ tọa yêu cầu.
Trước những yêu cầu của hội đồng xét xử, đại diện Grab phải thừa nhận là tiền khách hàng sau khi thanh toán được chuyền vào tài khoản của Grab. Tiếp tục phần chất vấn, luật sư đặt câu hỏi: Grab cho rằng đã thực hiện đúng quy định mà đề án 24 của Bộ GTVT ban hành, vậy trong nội dung của đề án có quy định về hợp đồng điện tử với khách hàng hay không? Grab có thể đọc nội dung này cho hội đồng xét xử nghe hay không?
Tuy nhiên, vị đại diện của Grab loay hoay không thể đọc được khiến chủ tọa phiên tòa phải đề nghị luật sư chuyển sang câu hỏi khác.
Grab vi phạm pháp luật khi kinh doanh vận tải hành kháchTrao đổi với báo chí trong giờ giải lao, ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Vinasun, cho rằng: Hành vi kinh doanh của Grab là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của Vinasun cụ thể, thiệt hại lên tới hơn 40 tỷ đồng và ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 8.000 lao động của Vinasun nói riêng và các hãng taxi truyền thống nói chung là khó có thể chấp nhận.
Cũng theo ông Quý, việc Vinasun kiện Grab ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại là có cơ sở. Vinasun có đủ tài liệu để chứng minh Grab vi phạm pháp luật trong kinh doanh vận tải hành khách thông qua nghiên cứu của 2 doanh nghiệp độc lập, nghiên cứu thị trường về vấn đề này.
Cũng theo ông Quý, theo đề án 24 của Bộ GTVT việc việc thí điểm phần mềm kinh doanh vận tải hành khách thì chức năng của Grab chỉ được cung ứng phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thế nhưng ở đây, Grab lại kinh doanh trực tiếp vận tải hành khách như các đơn vị taxi truyền thống mà không đóng thuế là thiếu công bằng. Do đó Vinasun kiện Grab ra tòa và đòi bồi thường thiệt hại là đúng theo Luật thương mại hiện hành.
Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, nhận định: Việc Vinasun khởi kiện Grab ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại là hoàn toàn khách quan và có cơ sở. Nếu chức năng ngành nghề của Grab đăng ký tại Việt Nam là cung ứng phần mềm cho dịch vụ vận tải nhưng lại kinh doanh luôn cả vận tải hành khách, thu tiền trực tiếp của khách hàng nhưng lại không phải đóng các khoản thuế giống các hãng taxi truyền thống là trái pháp luật, thiếu công bằng theo luật cạnh tranh.
Ông Hỷ cho biết thêm, ngày từ đầu tháng 1/2018, Hiệp hội taxi TP HCM đã ký công văn kêu cứu trước sự cạnh tranh dẫn đến nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp taxi truyền thống. Trong văn bản kêu cứu, Hiệp hội đã chỉ rõ: "Quá trình thí điểm đã bộc lộ sự bất cập, bất công về mặt chính sách giữa hai loại hình taxi và hợp đồng điện tử, bởi vì, quy về bản chất hai loại hình hoạt động như nhau, nhưng Bộ Giao thông Vận tải đã và đang cố gắng tạo một chợ riêng, sân chơi riêng, giống như một cơ chế thương mại độc quyền cho loại hình đang thí điểm – trong đó nòng cốt và chủ yếu là hai doanh nghiệp Grab – Uber".
DĐDN tiếp tục thông tin tới bạn đọc.