Grab, Gojek, be vẫn sẽ sống khỏe?

CÁP TẦN 10/12/2020 11:00

Mặc dù giá cước xe phải tăng do thuế mới, nhưng các hãng này vẫn sống khỏe vì họ đã ‘nhả’ gọi xe từ trước rồi.

Kể từ ngày 5/12 vừa qua, các hãng xe công nghệ sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Điều đó có nghĩa, giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng Grab, Gojek sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống.

VAT là thuế gián thu, thực chất là do người tiêu dùng phải đóng. Các hãng xe có trách nhiệm thu và nộp hộ. Và thế là, ngay lập tức, các hãng xe công nghệ đồng loạt tăng giá cước để thu số tiền thuế phải nộp đó.

Việc tăng giá cước này, vô hình trung đã tước đi một vũ khí mạnh nhất của xe công nghệ khi cạnh tranh với taxi truyền thống, đó là Giá rẻ.

Người ta đặt ra câu hỏi, vậy các hãng xe công nghệ sẽ thế nào khi mất đi vũ khí cạnh tranh lớn nhất này?

Những hành động mang tính chiến lược của Grab, Gojek (ngay từ khi vẫn là GoViet) hay be từ hơn một năm qua cho thấy, các hãng xe công nghệ đã dự trù và đi trước một bước để thích ứng với việc này.

Xu hướng khó tránh

Các hãng xe công nghệ từ trước đến nay vẫn tự nhận mình chỉ là một công ty công nghệ, trung gian kết nối nhu cầu đi lại chứ không phải là hãng vận chuyển.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp trên thế giới lại không nghĩ như vậy. Từ hơn 1 năm qua, càng ngày càng nhiều nơi xiết lại luật, liệt xe công nghệ vào thành taxi, ép các hãng gọi xe phải thực thi các nghĩa vụ về chính sách như một hãng taxi truyền thống. Nghị định 86 của Việt Nam, coi xe công nghệ như là taxi cũng nằm trong xu hướng này.

Khi đã phải thực hiện các nghĩa vụ giống taxi, cộng với việc các hãng taxi truyền thống đang ngày càng ứng dụng mạnh công nghệ, lợi thế cạnh tranh về giá của xe công nghệ sẽ ngày càng bị xóa nhòa không thể tránh khỏi.

Gọi xe chưa bao giờ có lãi

Ngay cả khi chưa phải chịu các nghĩa vụ như taxi, mô hình gọi xe công nghệ cũng chưa bao giờ có lãi.

“Ông tổ” gọi xe Uber lỗ chồng lỗ triền miên kể từ khi thành lập tới giờ. Giám đốc Uber liên tục phải hứa hẹn, cam kết với các nhà đầu tư đến năm 2022 sẽ có lãi. Đối thủ mạnh nhất của Uber là Lyft cũng lỗ triền miên, cổ phiếu liên tục đi xuống những tháng gần đây.

Grab, Gojek-thời-GoViet và be của Việt Nam cũng chưa thấy lợi nhuận. Giám đốc của be, bà Nguyễn Hoàng Phương có lần tuyên bố “be đạt điểm hòa vốn trong năm 2020”. Nếu điều này là đúng, thì be sẽ là công ty gọi xe đầu tiên ở Việt Nam đạt được cột mốc này.

Tất cả cho thấy, kiếm lợi nhuận từ gọi xe là con đường có vẻ như sẽ cụt.

Xoay chiến lược

Tất nhiên là những Grab, Gojek và be cũng nhận ra điều này. Những chiến lược xoay trục từ hơn 1 năm qua của họ đã cho thấy, họ đang tìm nguồn lợi nhuận từ nơi khác. Gọi xe dần biến thành cái ‘mồi’ để câu khách hàng vào các mảng kinh doanh chính của họ.

Grab từ lâu đã không còn là công ty gọi xe thuần túy. Từ cuối năm 2019, giá trị giao dịch gọi xe đã chỉ còn dưới 50% tổng giá trị giao dịch của Grab.

Họ không giấu diếm tham vọng trở thành một công ty công nghệ tài chính (fintech). Đầu tháng này, Grab đã có được giấy phép ký thành lập ngân hàng số tại Singapore. Không chỉ có thế, Grab còn đang đẩy mạnh mô hình bếp chung GrabKitchen để kinh doanh bất động sản.

Gojek ngay từ thời còn là GoViet đã tuyên bố, họ sẽ tập trung phát triển Giao đồ ăn và Thanh toán, để kết hợp với gọi xe tạo thành thế kiềng 3 chân.

be sau một thời gian đua tranh quyết liệt trên thị trường gọi xe, hồi giữa năm nay đã tuyên bố chiến lược trở thành nền tảng mở. Họ sẽ là nền tảng công nghệ cho các ứng dụng dịch vụ taxi, tài chính kết nối vào tạo thành một hệ sinh thái.

Thành thử, việc tăng giá cước vừa rồi có thể ảnh hưởng rất lớn tới khả năng cạnh tranh của xe công nghệ. Nhưng các công ty gọi xe ở Việt Nam vẫn sẽ ổn, vì họ không còn coi gọi xe là trọng tâm nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật sư nói gì về việc Grab tăng giá cước sau quy định thuế mới

    Luật sư nói gì về việc Grab tăng giá cước sau quy định thuế mới

    07:17, 10/12/2020

  • Grab “tố” Tổng Cục thuế không nhất quán trong tính thuế giá trị gia tăng

    Grab “tố” Tổng Cục thuế không nhất quán trong tính thuế giá trị gia tăng

    04:30, 10/12/2020

  • Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình vì tăng giá cước

    Tổng cục Thuế yêu cầu Grab giải trình vì tăng giá cước

    16:38, 09/12/2020

  • Grab, VAT và một năm kinh tế buồn

    Grab, VAT và một năm kinh tế buồn

    14:30, 09/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Grab, Gojek, be vẫn sẽ sống khỏe?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO