Trong thời gian gần đây, có một số chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế của Việt Nam đã bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới. Nhưng điều này có thực sự đang đi trên quỹ đạo đó hay không, theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường ĐHKTQD thì cần phải được đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn.
Những dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng trong năm 2018 cho thấy, chúng ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, tức là khoảng 6,8%. Với mức tăng trưởng như vậy, ông Đạt cho rằng chúng ta vẫn đang trong quá trình bứt phá khỏi vùng trũng tăng trưởng.
“Theo đánh giá của tôi, nếu tăng trưởng dưới 7% thì vẫn là vùng trũng tăng trưởng. Đối với một nền kinh tế nhiều tiềm năng như Việt Nam, phải tăng trưởng trên 7%, thậm chí để quy mô của một nền kinh tế tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới và thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, chúng ta phải tăng trưởng kinh tế với mức độ 7,2%/năm thì GDP sau 10 năm mới tăng lên gấp đôi”, ông Đạt nói.
Do đó, theo ông Đạt để nhận định nền kinh tế đang đi trên quỹ đạo tăng trưởng mới hay không thì phải nhìn nhận các dự báo tăng trưởng kinh tế đó dựa vào những nhân tố nào. Ông Đạt phân tích, hiện nay Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào mô hình tăng trưởng rộng, nền kinh tế chưa có được sự thay đổi cơ bản về cấu trúc, chất lượng nguồn đầu vào vẫn thấp, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm… Do đó, để Việt Nam thực sự bước vào một sự tăng trưởng mới và vững chắc thì nền kinh tế phải tiếp tục có những đổi mới quyết liệt, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Đạt cho biết thêm, dư địa về chính sách tài chính, tiền tệ rất hạn hẹp và phải dựa vào phía cung của nền kinh tế, tức là các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV phải giúp Chính phủ thực hiện bài toán tăng trưởng. Đổi lại, để các doanh nghiệp phát triển được, thì Chính phủ cũng phải giải được bài toán về thể chế, tạo động lực và khích lệ cho các DNNVV phát huy hết thế mạnh của mình trong thời gian tới.