Hạ lãi vay cho doanh nghiệp: Còn khoảng cách từ chủ trương đến thực hiện

DIỄM NGỌC 29/09/2021 12:00

Thủ tục giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn rườm rà về điều kiện, chưa kể bị hạ xếp hạng tín nhiệm cho kỳ vay kế tiếp, khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi băn khoăn.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện giảm lãi suất cho vay bằng chính nguồn lực của ngành. Cụ thể với 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

đa số các doanh nghiệp đều có kiến nghị rằng, nếu được giảm lãi vay với các khoản nợ hiện hữu sẽ là sự hỗ trợ thiết thực trong điều kiện khó khăn như hiện nay (ảnh minh hoạ)

Đa số các doanh nghiệp đều có kiến nghị rằng, nếu được giảm lãi vay với các khoản nợ hiện hữu sẽ là sự hỗ trợ thiết thực trong điều kiện khó khăn như hiện nay (ảnh minh hoạ)

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều vẫn cho rằng nếu được giảm lãi vay với các khoản nợ hiện hữu sẽ là sự hỗ trợ thiết thực trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Dư nợ hiện tại còn chưa giải quyết được thì sẽ khó phát sinh thêm nhu cầu vay mới.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó giám đốc công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh chia sẻ, doanh nghiệp hiện đang khó khăn về chuyện trả tiền mặt bằng, tiền lãi suất ngân hàng và tiền lương công nhân, cũng như hỗ trợ cho các anh chị em công nhân không đi làm được. Nếu lãi suất vẫn cao, thì doanh nghiệp không đủ khả năng chống chịu thêm nữa.

Tương tự, ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM cho biết: “Khi làm việc với ngân hàng, chúng tôi phải làm công văn và chứng minh là doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, sau khi có đủ những lý do để được nhận ưu đãi về lãi suất, thì nhân viên ngân hàng tư vấn là như vậy, doanh nghiệp sẽ bị tụt hạng tín dụng, nên những lần vay kế tiếp sẽ bị giảm mức độ mức độ tín nhiệm và hạn chế hạn mức cho vay. Nếu vậy khác gì đưa doanh nghiệp vào vòng lẩn quẩn, phải lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Giả sử ngân hàng giảm 1% lãi suất với mức vay 5 tỷ đồng, thì một tháng cũng chỉ giảm được 5 triệu tiền lãi, như vậy không xứng đáng với công sức của một hai nhân viên làm hồ sơ, chạy vạy khắp nơi để được xét duyệt, lại còn bị hạ xếp hạng tín nhiệm”.

Ông Đặng Hồng Anh

Ông Đặng Hồng Anh

Trước những bất cập này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị giảm lãi vay cho các doanh nghiệp từ 2%/năm. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội còn kiến nghị, từ chủ trương đồng thuận đến triển khai thực tế của các ngân hàng, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Nếu về mặt chủ trương thì nên giảm chung với tất cả các doanh nghiệp, thời hạn gửi đơn trong bao lâu thì được giảm, đối tượng được giảm ra sao, thời gian tiếp nhận hồ sơ để giải quyết thế nào, để doanh nghiệp biết có kết quả hay không.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tính đến ngày 21/9, tín dụng ngân hàng đã tăng 7% so với cùng kỳ, hệ thống thanh toán ngân hàng tư nhân với các địa phương được thông suốt, đã ban hành lại cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng có thể cho các ngân hàng và điều chỉnh phù hợp lãi suất theo đúng cam kết. Đặc biệt, tập trung cho vay đối với các hợp tác xã, mặc dù hoạt động này đã được thực hiện, nhưng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.

 Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phân tích, đến thời điểm này, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải nhìn nhận hai khía cạnh của vấn đề lãi suất đó là:

Thứ nhất, các ngân hàng nên cấp thiết có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bởi nếu các doanh nghiệp chết thì ngân hàng sẽ phải chịu nợ xấu. Nên bằng cách nào đó, ngân hàng có thể tìm cách tiết kiệm chi phí, hỗ trợ lãi suất tối đa giúp đỡ doanh nghiệp qua giai đoạn này.

Ông Lê Hữu Nghĩa

Ông Lê Hữu Nghĩa

Thứ hai, cũng phải phân tích doanh nghiệp đang cần gì. Không phải các doanh nghiệp xấu mà do tình hình chung, chuỗi cung ứng đứt gãy làm gián đọng nguồn cung cầu, dòng tiền và suy giảm nguồn lực. Để thấy rằng nếu vực họ dậy, giúp họ gia hạn nợ, khoanh nợ, giảm lãi, thì sẽ có cơ hội phục hồi, dù thời gian phục hồi sẽ không phải trong ngày một ngày hai, mà có thể mất một năm

Một điểm đáng chú ý mà tôi nghĩ các ngân hàng nên xem xét đó là, tài sản doanh nghiệp thường thế chấp vào ngân hàng với định giá cực thấp so với thị trường, sau đó chỉ được vay tối đa đến 70-80% giá trị. Như vậy, dư địa trên tài sản và hạn mức vẫn còn, ngân hàng hãy tính toán giúp doanh nghiệp vay thêm từ 15-20% vốn nữa, mà không cần phải thế chấp thêm tài sản. Với nguồn vốn mở rộng này, doanh nghiệp sẽ có thêm khoản tiền trang trải các chi phí cố định hiện nay”, ông Nghĩa đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi vay

    08:15, 25/09/2021

  • Đề xuất giảm lãi suất vay cho lái xe công nghệ

    17:05, 20/09/2021

  • Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt việc giảm lãi suất

    05:04, 12/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hạ lãi vay cho doanh nghiệp: Còn khoảng cách từ chủ trương đến thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO