UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết công tác lập điều chỉnh tổng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ chú trọng vào 3 nội dung.
Một là, tổ chức rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011.
UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch có liên quan, đánh giá các nội dung đã thực hiện, tác động, hiệu quả của việc thực hiện theo quy hoạch, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố.
Đồng thời đánh giá triển khai thực hiện, phân tích và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới, kiến nghị và đề xuất. Công tác rà soát được tiến hành từ 8/5 - 30/6/2021.
Hai là, trong thời gian từ 8/5 - 30/7/2021, UBND TP giao viện quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức thực hiện công tác lập nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Hà Nội, trình Bộ Xây dựng thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức lấy ý kiến phản biện ác tổ chức hội xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc.
Ba là, giao Viện quy hoạch lập Đồ án quy hoạch điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Công việc này tiếp tục được giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiến hành, sau khi nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, 10 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, cũng đã có rất nhiều kỳ vọng. Trong đó, nổi bật nhất mục tiêu phát triển năm khu đô thị vệ tinh.
Tuy nhiên, một thập kỷ trôi qua, ngoại trừ đô thị Hòa Lạc đã được Thủ tướng duyệt quy hoạch, hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc tương đối đồng bộ và một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học (mặc dù tỷ lệ lấp đầy còn thấp) thì bốn đô thị vệ tinh còn lại là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn đến nay vẫn chưa được Hà Nội… phê duyệt quy hoạch.
Trong khi đó, thành phố lại đẩy mạnh đầu tư phát triển những huyện ven đô thành đô thị, triển khai đô thị hóa theo hình thức "vết dầu loang". Không những không giúp giảm tải áp lực hạ tầng đô thị trung tâm mà đô thị trung tâm ngày càng phình to.
KTS Phạm Thanh Tùng cho biết sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch, làm hỏng bộ mặt đô thị.
"Phải sớm có một bản quy hoạch chung phản ánh đúng thực tế hiện tại, phù hợp với các quy hoạch nội đô, quy hoạch phân khu sông Hồng vừa công bố. Phải coi quy hoạch là pháp lệnh, tránh điều chỉnh và làm thế nào để giải được bài toán giảm áp lực nội đô" - ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang dần thành hình
17:20, 01/04/2021
Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, bước khởi đầu của "kỳ tích đô thị xanh"
05:26, 23/03/2021
Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ IV): Đừng để sửa sai
14:00, 18/03/2021
Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ III): Không để thêm một lần lỗi nhịp
06:00, 13/03/2021
Cấp thiết quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (KỲ II): Mở ra “chân trời mới” cho Thủ đô
17:35, 12/03/2021