UBND TP Hà Nội vừa thống nhất dừng hàng loạt dự án ở 3 quận huyện do chậm triển khai.
>>> Xử lý dự án treo
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về việc chấm dứt, dừng thực hiện đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Cụ thể: Dự án Tòa nhà hỗn hợp dành một phần để bán cho CBCS Văn phòng Interpol Việt Nam tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh tại các xã: Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh, huyện Mê Linh; Dự án KĐT mới Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh; Dự án KĐT mới BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh, huyện Mê linh; Dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã : Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng, huyện Mê Linh; Dự án KĐT Quang Minh Bắc và Dự án KĐT Quanh Minh Nam tại huyện Thường Tín.
Riêng đối với Dự án KĐT mới Mê Linh - Đại Thịnh và dự án KĐT mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 tại các xã: Đại Thịnh, Thanh Lâm và Mê Linh, huyện Mê Linh, có phạm vi nghiên cứu khoảng 209, 489 Ha, không thuộc diện Sở KH-ĐT chủ trì, kiểm tra, rà soát, nên UBND thành phố giao Sở KH-ĐT nghiên cứu, đánh giá xem xét, báo cáo Thành ủy, đồng thời làm việc xới Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng để có văn bản thống nhất dừng thực hiện dự án đầu tu theo quy định.
Đối với dự án khu nhà viện, chung cư phục vụ người thu nhập thấp tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, tiếp nhận từ ngành xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, giao Sở KH-ĐT liên hệ với nhà đầu tư theo quy định, báo cáo UBND thành phố, báo cáo Thành ủy xem xét, chỉ đạo đối với việc chấm dứt, dừng thực hiện dự án đầu tư này.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở quy trình, quy định pháp luật về việc chấm dứt, dừng thực hiện dự án đầu tư (phối hợp, lấy ý kiến Sở Tư pháp), báo cáo đề xuất trình đồng thời dự thảo các văn bản của UBND thành phố về việc chấm dứt, dừng thực hiện đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Được biết, dù các địa phương quyết tâm ra tay nhưng thực tế việc xử lý dự án treo đạt tỷ lệ rất thấp. Báo cáo của HĐND TP Hà Nội cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.
Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.
“Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Phó Ban Pháp chế (Hiệp hội BĐS Việt Nam), bên cạnh thu hồi, trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài đối với hành vi: “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất”.
Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng: Bên cạnh việc thu hồi cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư chậm triển khai dự án, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất.
Với những trường hợp dự án chậm triển khai, nhất là dự án "treo" dài hạn, cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. "Tốt nhất nên xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp, như vậy chủ đầu tư sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án. Cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực” - ông Võ nêu quan điểm.
Có thể bạn quan tâm