Hà Nội vừa yêu cầu xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.
HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
La liệt dự án treo
Tại Nghị quyết trên, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.
Đồng thời, thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Cùng với đó, hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã), 161 dự án (theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường) chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai và xử lý theo quy định. Nghiên cứu, trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm tiến độ, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Có thể kể tới như: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt hơn 10 năm bất động đến nay vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Dự án của Công ty Hà Đô (Bộ Quốc Phòng) tại phường Cầu Diễn, Dự án của Ban quản lý dự án Láng Hạ Thanh Xuân tại phường Mễ Trì cùng được giao đất từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chỉ quây tôn, chưa triển khai xây dựng.
Không ít dự án sở hữu các lô đất vàng, gần trung tâm như Tháp Tài chính Quốc tế - IFT (quận Cầu Giấy), dự án Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà, dự án Twin Tower (đường Láng - quận Ba Đình), dự án Nam Đàn Plaza và Lotus Hotel (quận Nam Từ Liêm) cũng nằm trong danh sách “treo”.
“Nể nang” trong xử lý
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai được đánh giá là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô...
Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội cho biết thêm, bên cạnh những chủ đầu tư năng lực yếu vẫn còn những chủ đầu tư cố tình vi phạm, thậm chí tái phạm. Nhiều dự án ở lõi của 4 quận nội thành, các chủ đầu tư không vướng mắc gì về tài chính, không vướng mắc gì về quy hoạch cũng chậm triển khai. Ví dụ, dự án ở 15 Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm) xây dựng trung tâm thương mại rất đẹp nhưng “đắp chiếu” hơn 10 năm nay.
“Ngoài nguyên nhân chủ đầu tư năng lực yếu, việc “nể nang” trong xử lý các dự án treo đã khiến tình trạng này kéo dài. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của thành phố Hà Nội, lãng phí hàng triệu m2 đất, nguồn tài nguyên quý giá và ảnh hưởng đời sống của người dân trong vùng dự án” – ông Nam nhấn mạnh.
HĐND TP Hà Nội nêu rõ, với các dự án treo trách nhiệm chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với nhóm dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chậm 12 tháng; thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với nhóm dự án chậm 24 tháng theo tiến độ thực hiện phê duyệt; Sở Quy hoạch và Kiến trúc đối với nhóm dự án chậm nguyên nhân điều chỉnh quy hoạch.
KỲ II: Hệ luỵ từ các dự án treo