Hà Nội quyết tâm “bóc tách” F0 trong thời gian ngắn

Bài: KHẮC LÃNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 20/08/2021 20:09

Hà Nội đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.

Chiều 20/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì họp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h sáng 6/9

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h sáng 6/9. Ảnh: Quốc Tuấn

Xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc. Trong đó, 1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, 212 ca ghi nhận trong Bệnh viện và 42 ca nhập cảnh.

Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh. Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó, 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát. Thành phố cũng đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12h ngày 20/8, Thành phố còn 99/464 điểm phong tỏa.

Về công tác xét nghiệm, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Qua đó, đảm bảo an toàn, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.

Cụ thể, xét nghiệm cho các đối tượng thuộc “nhóm đỏ” (khu vực xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao); “nhóm da cam” (các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… là các khu vực nằm trong vùng nguy cơ); “nhóm xanh” (các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh); lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao.

Đợt 1, đã lấy được 322.925 mẫu, đạt 107,6% kế hoạch, kết quả phát hiện được 29 ca mắc, còn lại âm tính. Đợt 2 lấy được 421.108 mẫu, đạt 48,8% kế hoạch, đã phát hiện 18 ca dương tính, 107.259 mẫu âm tính, còn lại đang thực hiện xét nghiệm.

Đối với công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tổng cộng đã có 10 đợt phân bổ vắc xin với 1.919.500 liều các loại. Đến nay, thành phố đã tiêm được 1.710.521 liều, đạt 20,6%; công nhân tại khu công nghiệp đạt 48,5%.

Trong công tác cách ly tập trung, Thành phố hiện có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập gồm: 20 cơ sở do Thành phố thành lập, 09 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã, có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người; hiện đang cách ly 5.120 người.

Mỗi vùng xanh đều có quy định về điều kiện phòng, chống dịch mức cao nhất. Ảnh: Quốc Tuấn

Bảo vệ và nhân rộng "vùng xanh" là một trong những cách thức đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Quốc Tuấn

Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân

Thông tin về công tác cung ứng hàng hóa cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đánh giá, qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ này, Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt. Thành phố đã ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa để đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định trong mọi tình huống. Thành phố cũng quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của Thành phố. Thành phố cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khâu vận chuyển; đã cấp mã nhận diện cho 2.200 ô tô và trên 9 nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa. Trên 14 nghìn shipper cũng được cấp mã. 

Quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân

Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Ảnh: Quốc Tuấn

Để cung ứng hàng hóa đa dạng, Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, 2 điểm đến”, công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh. Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.

Sở Công thương cũng phối hợp, hỗ trợ người lao động hiện đang bị mất việc làm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để vừa có thêm thu nhập, vừa cung ứng nguồn nhân lực phục vụ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá thì sẽ phối hợp để kiểm tra ngay.

Cùng với công tác chủ động chuẩn bị, cung ứng hàng hóa đầy đủ và làm tốt công tác tuyên truyền nên sau 2 đợt giãn cách, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, mọi hoạt động mua sắm hàng hóa đều diễn ra bình thường. “Hy vọng với tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt của Thành phố, dù có triển khai các giải pháp nào, biện pháp nào thì Thành phố vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân trên địa bàn Thành phố. Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mua sắm tích trữ”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

460 tỷ đồng chăm lo cho người lao động

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỷ đồng. Trong đó, Thành uỷ, UBND chỉ đạo ngành rà soát 10 nhóm đối tượng không ở trong diện được hỗ trợ theo quy định và đã được Thành phố phê duyệt về chính sách đặc thù, kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỷ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân.

Những ngày gần đây, MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội cũng đã tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách bằng các hình thức rất đa dạng, thiết thực với gần 30 tỷ đồng; Công đoàn các cấp đã hỗ trợ chăm lo cho hơn 40.000 lượt người lao động với số tiền gần 50 tỷ đồng; địa phương đã hỗ trợ các hộ khó khăn bằng hình thức xã hội hoá…

Tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn cho nhân dân

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua Công an Thành phố đã nỗ lực vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. 

Công an Thành phố đã duy trì 23 chốt bảo vệ cửa ngõ, 44 chốt đường ngang, lối mở để kiểm soát lượng người di biến động ra vào Hà Nội. Do việc triển khai gấp, mới, chưa có tiền lệ, trong khi phương tiện ra vào Thủ đô rất nhiều, nên Công an Thành phố vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mục đích là kiểm soát tốt nhất phương tiện, người ra vào nhưng hạn chế tối đa nhất sự ùn tắc tại các chốt.

Trong thời gian giãn cách xã hội, tình hình tội phạm giảm 50% nhưng gần đây lại xuất hiện các vụ cướp, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản vào ban đêm, vì vậy Công an Thành phố tiếp tục tăng cường trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn cho nhân dân. 

Khai giảng trực tuyến 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại cho biết, Thành phố đã hoàn thành tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. 

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2021-2022 từ “kết hợp giữa xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực” sang phương thức “xét tuyển”.

Đặc biệt, lễ khai giảng năm học 2021-2022 của Thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào đúng 7h30 ngày 5/9/2021, bằng hình thức trực tuyến và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tới toàn thể nhân dân Thủ đô. 

Thành phố sẽ tiếp tục ban hành Công điện về phòng chống dịch 

Thông tin tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá: Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các thôn, tổ dân phố đã rất nỗ lực cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế. 

Đó là, Thành phố đã thực hiện một loạt các giải pháp, như tiêm chủng đúng theo chỉ đạo của Trung ương, sát tình hình thực tế, có vắc xin đến đâu tiêm ngay đến đó và theo thứ tự các đối tượng ưu tiên theo đúng hướng dẫn của Trung ương và có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, trên 48% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đã được tiêm vắc xin và tới đây tiếp tục tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao như lực lượng tuyến đầu, bảo vệ các khu nhà, bán hàng, công nhân, người hoạt động làm việc trong các chuỗi cung ứng, shipper, lái xe đã được Thành phố trưng dụng...

Thành phố cũng triển khai xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm là những vùng đỏ, vùng nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ, đặt mục tiêu lấy 1,3 triệu mẫu để xét nghiệm, qua đó đã sàng lọc được những đối tượng F0 trong cộng đồng. Thành phố tập trung nâng cao năng lực mọi mặt của ngành Y tế: Nâng cấp trang thiết bị, cung cấp bổ sung thêm hệ thống oxy; đào tạo, tập huấn đội ngũ y bác sĩ; chuẩn bị các bệnh viện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ...

Thành phố cũng đã chuẩn bị cho 3 giai đoạn, với 10.000, 20.000, 30.000 giường điều trị và hiện đã xong giai đoạn 1. Thành phố tranh thủ thời gian này để thành lập thêm các khu cách ly tập trung xa trung tâm, hiện đã vận hành được 30.000 chỗ, đang chuẩn bị tiến tới 70 nghìn và 100 nghìn chỗ. Thực tế cho thấy đây là những hướng đi đúng.

Đồng thời, Thành phố chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng chống dịch. Trong đó, nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115, kết nối tất cả các xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi quản lý bằng phần mềm để phục vụ nhanh chóng cho công tác cấp cứu. Thành phố cũng đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, đảm bảo chặt chẽ, khoa học để chủ động trong trường hợp có nhiều F1.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong thời gian qua, Thành phố đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của nhân dân, nhiều cơ sở đã chủ động, tự nguyện thiết lập vùng xanh, huy động được lực lượng rất lớn nhân dân tham gia. “Đây là việc làm rất hiệu quả giúp quản lý từ cơ sở và giảm gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu, huy động được sự vào cuộc của nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Đồng chí phân tích, vẫn còn có F0 trong cộng đồng; dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp; một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được. “Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, vừa qua Chủ tịch nước đã đi thăm trực tiếp tại cơ sở, kiểm tra Sở chỉ huy phòng chống dịch của Thành phố. Lãnh đạo Trung ương đánh giá cao sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, sự chủ động từ cơ sở, mong muốn giữ bằng được sự bình yên, giữ được vùng xanh của Thủ đô.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND Thành phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vắc xin; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế trong thời gian vừa qua, như thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông. “Việc này Thành phố đã giao Công an Thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng chống dịch của Thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội một mặt tích cực trong công tác phòng, chống dịch; một mặt đẩy mạnh đảm bảo an sinh xã hội, bám sát thực tiễn, hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức có khó khăn. Thành phố đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 10 nhóm đối tượng ngoài Nghị quyết 68 của Chính phủ. Chính sách này được người dân hết sức hoan nghênh. 

Đáng chú ý, Thành phố đã có chủ trương sau khi dịch bệnh giảm đi, Thành phố sẽ dùng 500 tỷ từ vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thông tin.

Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai hỗ trợ một số nước bạn trong phòng, chống dịch; hỗ trợ bằng tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam. “Hà Nội cũng cảm ơn sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, đã chia sẻ một phần khó khăn đối với Hà Nội trong thời gian qua”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • NÓNG: Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h sáng 6/9

    17:40, 20/08/2021

  • Đại hội đồng AIPA-42: Đồng hành đẩy lùi COVID-19

    19:40, 20/08/2021

  • Hà Nội thiết lập nhiều kênh thông tin liên quan phòng, chống dịch COVID-19

    10:17, 20/08/2021

  • Giảm tỉ lệ tử vong, xử lý bệnh nhân COVID-19 nặng tại Đồng Tháp thế nào?

    08:00, 20/08/2021

  • Quân đội thay dân lo hậu sự các ca tử vong do COVID-19

    05:30, 20/08/2021

  • Nhận diện thách thức chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19

    05:02, 20/08/2021

  • Tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 3 có cần thiết?

    04:20, 20/08/2021

  • Hải Phòng xây dựng “kịch bản” điều trị 10.000 bệnh nhân COVID-19

    02:52, 20/08/2021

  • Chống COVID-19: Hà Nội tăng cường các chốt kiểm soát!

    01:24, 20/08/2021

  • Chống COVID-19: Đà Nẵng cung ứng thực phẩm cho người dân bằng cách nào?

    15:48, 19/08/2021

  • TP.HCM đề xuất miễn phí xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp

    11:27, 19/08/2021

  • Chống COVID-19 nhìn từ bài học Cách mạng Tháng 8

    06:55, 19/08/2021

  • COVID-19 thúc đẩy “bền vững hóa” tiêu dùng

    12:19, 18/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội quyết tâm “bóc tách” F0 trong thời gian ngắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO