Hà Nội: Sắp có lời giải cho “bài toán” giãn dân nội đô lịch sử

MAI AN 21/03/2021 22:09

Ngày 22/3, TP Hà Nội sẽ công bố các Đồng Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) trong đó một trong những thông tin được quan tâm nhất chính là giải pháp giãn dân phố cổ.

Ngày 22/3, TP Hà Nội sẽ công bố các Đồng Quy hoạch phân khu nội đô thị nội đô lịch sử.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, mới đây Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; cụ thể đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành; các bộ, ngành liên quan; Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Thành phố; đánh giá kết quả tiếp thu hoàn thiện các đồ án quy hoạch trên cơ sở ý kiến của các bên liên quan.

Công bố quy hoạch nội đô lịch sử

Theo đó, có 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, có ký hiệu là: H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2.000. Dự kiến, dân số quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là 672.000 người.

Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được đánh giá là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội, giúp Thủ đô phát triển bền vững.

Phố cổ Hà Nội nhiều năm vẫn chờ quy hoạch, đề án giãn dân đã "khởi động" suốt 20 năm.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cũng cho biết, cấu trúc không gian kiến trúc - cảnh quan trong Quy hoạch được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm khu ở. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo điểm nhấn, phù hợp Quy chế công trình cao tầng được duyệt.

Để bảo đảm tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, tổng quy mô dân số tại khu vực Hoàn Kiếm là khu vực Khu phố Cổ, phố Cũ và Hồ Gươm và vùng phụ cận cần giảm khoảng trên 215.000 người.

“Đối với giải pháp giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử, quan điểm của thành phố là từ năm 2020-2030 khi Hà Nội đang từng bước triển khai các dự án: di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực Nội đô; phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh; đồng thời trước bối cảnh tăng dân số tự nhiên và cơ học” – ông Huy cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1998, UBND TP Hà Nội đã khởi động dự án di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha. Theo đó, khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Giai đoạn I triển khai di dời 1.530 hộ dân bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV 2016. Khu đô thị giãn dân phố cổ rộng hơn 11ha trong Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn II sẽ di dời hơn 5.000 hộ dân ngay sau khi Dự án giai đoạn I kết thúc triển khai trong các khu đô thị khác do thành phố bố trí. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Tuy nhiên, đến nay sau hàng chục năm triển khai, những hộ dân nằm trong diện di dời giãn dân phố cổ vẫn cố bám trụ trong những căn nhà chật hẹp.

4 giải pháp giãn dân

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên KTS Trưởng TP Hà Nội kiến nghị 4 giải pháp giãn dân:

Thứ nhất, cần tạo đồng thuận giữa nhân dân với Nhà nước về quan điểm quản lý khu phố cổ không chỉ là vấn đề không gian vật thể kiến trúc mà cần quản lý cả về chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống tại đó. Nói cách khác, quản lý khu phố cổ giống như quản lý một cơ thể sống chứ không phải quản lý một không gian vật thể mà chỉ là xác mà không có hồn. Ở đây, chúng ta có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Singapore hoặc ngay tại câu chuyện từ Hội An của Việt Nam.

Thứ hai, cần xác định người dân nào, đối tượng nào là người sẽ di dời khỏi khu phố cổ, bởi ngoài việc vận động thì cũng cần có quy định, khung pháp lý rất chặt chẽ cho việc này. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cho những người thuộc đối tượng di dân ra khỏi khu phố cổ vừa qua vẫn còn thiếu tầm nhìn tổng thể. Thí dụ thay bằng việc dồn tất cả họ về một khu đã được định dạng trước khiến họ cảm thấy khi bị cưỡng bức, chúng ta nên có chính sách ưu đãi, đền bù một cách linh hoạt, thỏa đáng bằng hình thức thỏa thuận.

Thứ ba, đó là cấu trúc của đề án giãn dân. Vừa qua chúng ta mới chỉ chú trọng tới việc tạo nhà ở cho người dân, nhưng chưa chú trọng đến việc họ sẽ làm gì để có nguồn thu nhập khi đến nơi ở mới. Ngoài ra, hạ tầng xã hội như trường học, học nhà trẻ, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng cũng cần được xây dựng đồng bộ. Hiện nay các dự án giãn dân vẫn chưa chú ý tới các yếu tố hạ tầng đồng bộ nên không tạo sức hút để người dân di dời.

Giải pháp cuối cùng và cũng hết sức quan trọng đó là tuyền truyền để người dân trong khu phố cổ hiểu rằng, việc người dân phải dời đi không chỉ vì bản thân cá nhân mà còn là trách nhiệm của họ vì lợi ích của thủ đô, của dân tộc cho các thế hệ sau.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ CUỐI): Đảm bảo hiệu quả dự án

    Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ CUỐI): Đảm bảo hiệu quả dự án

    07:00, 17/07/2019

  • Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ VI): Cần thiết thu hồi tài sản công

    Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ VI): Cần thiết thu hồi tài sản công

    06:30, 12/07/2019

  • Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ V): Đừng để dân sống mòn trên di sản

    Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ V): Đừng để dân sống mòn trên di sản

    07:00, 11/07/2019

  • "Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu

    14:18, 10/01/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội: Sắp có lời giải cho “bài toán” giãn dân nội đô lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO