Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định việc siết chặt giấy đi đường là để bảo đảm an toàn, tính mạng nhân dân.
Tối 9/8, trao đổi với báo chí về hiện tượng ùn ứ giao thông tại một số điểm do công tác kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết việc kiểm tra, kiểm soát nhằm giảm lượng người ra đường, bảo đảm giãn cách xã hội thực chất, là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bùng phát rộng, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Ông Quyền nhấn mạnh sau hơn 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, một trong những hạn chế lớn nhất là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm, số người ra đường còn đông, trong đó không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích.
Vì thế, UBND TP Hà Nội yêu cầu siết chặt việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Về tình trạng xảy ra hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số địa điểm trên địa bàn, TP sẽ điều chỉnh việc kiểm tra cho thực chất và phù hợp hơn và tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Cũng theo chỉ đạo của ông Quyền, việc kiểm tra giấy đi đường "không phải để phạt người dân mà làm căn cứ" để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.
"Các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định", ông Quyền đề nghị.
Trước đó, tối 8/8, Hà Nội phát đi văn bản việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, người đi đường phải xuất trình thêm giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị còn phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Theo ghi nhận của báo chí ngày 9/8, lực lượng kiểm soát tại các chốt ở nội đô chỉ kiểm tra nhắc nhở việc hoàn thiện các giấy tờ theo quy định mới, chưa xử phạt. Tuy nhiên, một số chốt trên các trục đường chính dẫn vào nội đô xảy ra hiện tượng ừn ứ cục bộ.
Bình luận về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định mới thì khi có 05 loại giấy tờ người lao động mới được ra đường, đi làm trong đó “lịch trực, lịch làm việc” có thể là một nội dung và thường sẽ ghi trong bảng, sổ của doanh nghiệp. Giờ phải làm cho mỗi người một quyển hoặc thành các tờ riêng... sẽ là bất hợp lý.
“Văn bản phân công nhiệm vụ” thì nội dung cũng giống “Giấy đi đường”... các loại giấy tờ trên vẫn do nội bộ doanh nghiệp phát hành, các nội dung được xé lẻ ra làm nhiều tờ (5 loại) theo nội dung văn bản mới thì sẽ gây ra những tranh cãi trong cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau.
"Có thể là lỗi kỹ thuật của văn bản khi không dùng từ “hoặc” trong liệt kê một số giấy tờ có giá trị tương đương (lịch trực = lịch làm việc; giấy đi đường = giấy giới thiệu = văn bản phân công nhiệm vụ)...", Luật sư Cường nhận định.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng một văn bản ban hành có nhiều cách hiểu khác nhau, việc vận dụng không thống nhất có thể dẫn đến tranh cãi, bức xúc, có thể gây ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm tra... Có thể sẽ không đạt được hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh như mục đích của văn bản đề ra.
"Giấy đi đường có bắt buộc phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường hay không? Việc UBND xã, phường xác nhận với số lượng lớn, tức thời có thể dẫn đến việc tập trung đông người, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khi thực hiện thủ tục này. Đây là vấn đề cần tính đến khi tổ chức thực hiện văn bản này", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Bởi vậy, theo chuyên gia pháp lý này, UBND Thành phố Hà Nội cần giải thích một số nội dung của văn bản này và thống nhất áp dụng trong thực tiễn để tránh ách tắc giao thông, tránh những khu vực tập trung đông người không cần thiết gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Đảm bảo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thiết yếu được phép hoạt động theo quy định của chỉ thị 16 và chỉ thị 17. Giải pháp quan trọng là kiểm soát điều kiện về phòng dịch đối với các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, cá nhân không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng dịch thì buộc dừng hoạt động chứ không phải đưa ra những giấy tờ chưa rõ ràng, không cần thiết để gia tăng rào cản trong việc đi lại của người dân.
Việc đưa ra các loại giấy tờ có nội dung trùng nhau, gây nhầm lẫn và không cần thiết, yêu cầu xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã phường... sẽ dẫn đến khó hiểu cho đơn vị tổ chức thực hiện văn bản và người dân trong việc thực hiện thủ tục, gây tranh cãi các điểm kiểm tra và có thể gây ra ách tắc giao thông hiện tượng tập trung đông người tại ủy ban nhân dân cấp phường và các khu vực có các chốt kiểm dịch, khu vực kiểm tra.
"Việc quy định không rõ ràng cũng có thể gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong phòng chống dịch bệnh. Bởi vậy UBND Thành phố Hà Nội cần phải có giải thích, hướng dẫn, quán triệt để áp dụng thống nhất văn bản này", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
10:38, 07/08/2021
02:01, 04/08/2021