Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án được phép bán cho người nước ngoài sở hữu, tính tới tháng 10.
Theo đó, các dự án này nằm tại quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, đa phần là chung cư cao cấp với mức giá dao động từ 70-100 triệu đồng một m2.
Cụ thể, 3 dự án nằm trong khu đô thị Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) gồm 3 tòa chung cư Z38M.1, Z38.1 và U39.1 nằm lô đất F2-F4-CH04; hai tòa Z38M.1 và Z38.1 nằm ở lô đất F2-F4-CH05 đều thuộc tổ hợp Imperia Smart City do Công ty cổ phần HBI làm chủ đầu tư và 3 tòa chung cư U35.1, U35.2, U35.3 nằm ở lô đất F2-CH01 thuộc dự án Masteri West Heights do Công ty cổ phần phát triển kinh doanh bất động sản SV Tây Hà Nội làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, tòa HH2-1A thuộc dự án The Matrix One của Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh cũng được cho phép bán cho người nước ngoài.
Một dự án khác tại quận Thanh Xuân là Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex nằm tại 107 Nguyễn Tuân. Dự án này do liên danh Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ và Công ty cổ phần In và thương mại Thống Nhất làm chủ đầu tư.
Có thể thấy, Nghị định 95 của Chính phủ đã hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nhà ở đề cập đến các điều kiện, quy định khi cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8, người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam có thể mua nhà và không bị hạn chế số lượng nhà có thể mua tại Việt Nam. Tuy nhiên, luật quy định rõ người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số lượng căn hộ tại một tòa nhà chung cư, và không quá 250 căn nhà ở riêng lẻ trong một khu vực có quy mô dân số tương đương một phường.
Thời gian sở hữu tối đa 50 năm, được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm hoặc có thể chuyển sang sở hữu lâu dài nếu kết hôn với công dân Việt Nam. Như vậy, thời hạn sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam tối đa là 100 năm, tăng gấp đôi so với trước đây.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản những nội dung này tương tự với quy định của Luật Nhà ở năm 2014, song các quy định của luật mới đã làm rõ hơn nội dung liên quan đến hoạt động mua bán của người nước ngoài.
TS Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, các quy định cũ vẫn tồn tại một số vướng mắc trong việc xin cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Việc thực thi cấp sổ hồng có những điểm chưa thuận lợi khiến khách hàng nước ngoài còn nhiều e ngại.
Với khung pháp lý mới, ông Đính hy vọng việc cấp giấy tờ cho người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn, qua đó tăng niềm tin, duy trì lượng quan tâm của khách nước ngoài, tạo phân khúc thị trường tốt hơn mở rộng đầu ra cho các dự án.
Được biết, từ năm 2015 đến hết quý 3/2023, có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, trong đó, Hà Nội chiếm hơn 50% (khoảng 1.765 căn). Phần lớn người mua đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.
Đáng chú ý, nửa đầu năm nay, chỉ riêng Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài. Trong đó, hơn 40% đến từ Trung Quốc, theo sau là Hàn Quốc chiếm 21%, còn lại là Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Anh.
Có thể thấy, việc các luật mới có hiệu lực không chỉ tạo môi trường đầu tư thuận lợi và giảm thiểu rủi ro giữa các bên mà còn khuyến khích người nước ngoài và Việt kiều tăng cường sở hữu nhà ở, làm việc và đầu tư lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, giải quyết được lượng lớn tồn kho bất động sản cao cấp khó thanh khoản.