Hà Nội xem xét cho thuê vỉa hè ở một số tuyến phố

LAM SONG 26/12/2023 01:00

Dự kiến tháng 1/2024, Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố đủ điều kiện để cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ.

>>Vấn đề vỉa hè - làm sao cho trọn lý vẹn tình?

Tại phiên họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè.

Theo ông Tuấn, việc quản lý lòng đường, vỉa hè phải gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó, sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, Vành đai 1 - 2 - 3… để ra từng khu vực, từng quận, huyện.

Dẫn thực tế ở TPHCM đã có quy định thu phí vỉa hè, ông Tuấn cho biết Hà Nội định hướng những vỉa hè đủ điều kiện ở các khu phát triển du lịch, văn hóa có thể được cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ du lịch.

Kinh tế vỉa hè dù có nhiều hệ luỵ nhưng lợi ích kinh tế rất lớn và không thể xoá bỏ cực đoan.

Kinh tế vỉa hè dù có nhiều hệ luỵ nhưng lợi ích kinh tế rất lớn

Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.

Trước đó, hồi tháng 5, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện lập đề án quản lý vỉa hè, lòng đường. Việc lập đề án quản lý vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với sinh kế của nhân dân.

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho rằng trật tự vỉa hè là "cả một vấn đề rất phức tạp". Mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì có cải thiện, sau đó "đâu lại vào đó".

Theo trung tướng Trung, vỉa hè là nguồn thu nhập chính của một bộ phận không nhỏ người dân gắn với kinh doanh trên hè phố. Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ phương tiện cá nhân của người dân rất lớn, trong khi hạ tầng của thành phố chưa đáp ứng được, nhất là các khu phố cũ, phố cổ, bệnh viện... Trong khi đó, vỉa hè Hà Nội cũng đa dạng, muôn hình muôn vẻ.

>>Đề xuất thu phí theo giờ đối với vỉa hè Hà Nội

Để giải quyết vấn đề trật tự vỉa hè, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng, phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, phải giải được các câu hỏi bến đỗ xe, tuyến đỗ xe thế nào. Đồng thời, phải giải quyết được bài toán kinh tế của các hộ dân với việc đảm bảo trật tự văn minh đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi phong trào lắng xuống, người dân lại đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, dừng đỗ phương tiện,… Do vậy, Hà Nội đã làm kiên quyết, kiên trì trong xử lý vi phạm trật tự đô thị.

Đến thời điểm này, tình hình trật tự đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước được giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định. Các bục bệ, mái che vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và lực lượng chức năng phá dỡ. Trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo, tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, được người dân, dư luận đánh giá cao.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm, các đơn vị chức năng cũng phải có chính sách hỗ trợ việc làm cho người dân khi không được buôn bán trên vỉa hè. Đối với những người mất việc làm cần phải tạo sinh kế cho họ. Có như vậy, người dân mới hiểu và đồng lòng với chính quyền TP. Hà Nội trong chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Bởi, "kinh tế vỉa hè" hiện là một phần ngành dịch vụ của TP. Hà Nội trong nhiều năm qua. 

Đồng thời, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ vỉa hè tuyến phố nào đủ điều kiện cho các tiểu thương buôn bán và đoạn nào, khu vực nào không được. Từ đó, TP. Hà Nội có thể xây dựng đề án thí điểm cho buôn bán trên vỉa hè một cách hợp lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Vấn đề vỉa hè - làm sao cho trọn lý vẹn tình?

    04:00, 02/05/2023

  • Cho thuê vỉa hè?

    04:00, 19/04/2023

  • Đề xuất thu phí theo giờ đối với vỉa hè Hà Nội

    09:33, 06/04/2023

  • Giành lại vỉa hè - liệu có thành công?

    04:00, 01/03/2023

  • Hệ luỵ từ cho thuê vỉa hè

    04:00, 16/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội xem xét cho thuê vỉa hè ở một số tuyến phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO