[Hà Tĩnh - Góc khuất sau đại công trường] Kỳ III: Chính quyền nói gì?

Trương Khắc Trà - Ngọc Thái 22/07/2019 06:01

Khi công nghiệp hóa mọc ra trong nền nông nghiệp lâu đời, cuối cùng rồi cũng tìm về với điểm chung duy nhất: Phát triển làm sao để an dân?

Nhóm phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mang những câu hỏi liên quan đến chuyên đất đai, đền bù giải tỏa và số phận của hàng ngàn người dân ở xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Phương (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đến cơ quan chức năng.

Thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi nhìn từ xa (Ảnh: Khắc Trà)

Thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi nhìn từ xa. Ảnh: Ngọc Thái

Sau nhiều lần liên hệ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, ông Lê Xuân Vượng đã thông tin như sau:

Từ năm 2014, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi thực hiện chủ trương di dời của nhà nước để giải tỏa mặt bằng cho hệ thống công nghiệp Formosa, kinh phí do ngân sách chi trả. Sở dĩ có tình trạng người ở kẻ đi là bởi hơn 200 hộ còn lại chưa đồng thuận với chủ trương giải phóng mặt bằng.

Về chi phí làm sổ đỏ, ông Vượng cho hay: Khi mới lên khu tái định cư, nhà nước hỗ trợ 5 năm phí sử dụng đất, thời điểm đó giá làm sổ đỏ là 300 nghìn đồng/1m2 (diện tích tái định cư 400m2/hộ, nên tổng chi phí là 120 triệu đồng/sổ đỏ).

Đến nay đã quá hạn 1 năm, tính theo giá hiện hành khoảng 500 - 600 nghìn đồng/1m2, nên chi phí làm sổ đỏ có thể tăng lên trên 200 triệu đồng/sổ, số tiền chênh lệch rất cao.

Với mức giá 120 triệu đồng/sổ, người dân đã cảm thấy khó trang trải, không biết khi tăng trên 200 triệu đồng, liệu 90% dân tái định cư ở Kỳ Phương có làm được sổ hay không?

Bóng dáng công nghiệp hóa lan tới tận mép nước biển (Ảnh: Khắc Trà)

Bóng dáng công nghiệp hóa đã lan tới tận mép nước biển. Ảnh: Khắc Trà

Ông Vượng cho biết thêm: Hiện nay UBND Thị xã Kỳ Anh đang làm văn bản xin ý kiến tỉnh cho người dân được làm sổ đỏ với mức giá cũ, tức là 300 nghìn đồng/1m2, nhưng UBND tỉnh chưa có phản hồi, nên việc làm sổ đỏ phải gác lại.

Trong tương lai, xã Kỳ Lợi, gồm có 10 thôn và 10.000 gia đình phải giải tỏa “trắng”. Đi đâu, về đâu, vị Chủ tịch xã vẫn chưa thể biết!

Có thể bạn quan tâm

  • [Hà Tĩnh - Góc khuất sau đại công trường] Kỳ II: Tái định cư không sổ đỏ!

    [Hà Tĩnh - Góc khuất sau đại công trường] Kỳ II: Tái định cư không sổ đỏ!

    06:30, 19/07/2019

  • [Hà Tĩnh - góc khuất sau đại công trường] Kỳ I: Tiêu điều làng biển ở Kỳ Lợi

    [Hà Tĩnh - góc khuất sau đại công trường] Kỳ I: Tiêu điều làng biển ở Kỳ Lợi

    07:00, 17/07/2019

Cú "ngã" đau trong quá khứ

Góc khuất hiểm nguy nhất khi làn sóng công nghiệp quét qua là bất ổn xã hội một khi chính sách của nhà nước và đời sống người dân còn lệch nhau. Nhưng đáng nói hơn là sự tha hóa, biến chất của một bộ phận “công bộc” xung quanh dự án, quy hoạch.

Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương trong cả nước, rất cần nhà đầu tư, rất cần công nghiệp, nhưng cuối cùng tất cả phải đối đầu với câu hỏi hóc búa: Phát triển như thế nào? Cho ai?

Thế hệ tương lai ở mảnh đất lắm vui nhiều buồn

Thế hệ tương lai ở mảnh đất lắm vui nhiều buồn, em bé sợ sệt khi gặp người lạ, suýt khóc trước ống kính - "Em bé Formosa". Ảnh: Khắc Trà

Năm 2015, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Bổng (sinh năm 1958) bị khởi tố vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tài liệu của PC46 (Công an Hà Tĩnh), với cương vị là Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng đền bù huyện Kỳ Anh nhưng Nguyễn Văn Bổng đã có những sai phạm liên quan đến việc chỉ đạo cấp dưới lập khống 678 hồ sơ bồi thường hơn 81 ha là diện tích đất công, đất tranh chấp, đất khai hoang ở các xã Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương (Kỳ Anh) quản lý gây gây thiệt hại nghiêm trọng ngân sách nhà nước với số tiền trên 14 tỷ đồng.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã bắt tạm giam các đối tượng liên quan thuộc Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh (nay là Thị xã Kỳ Anh), cán bộ UBND các xã, phường: Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Có bao giờ nhà chức trách vẽ ra bức tranh cho vài chục năm tới, khi doanh nghiệp rút đi, địa phương đã xây chắc nền tảng công nghiệp hóa hay nghèo vẫn hoàn nghèo, môi trường thiên nhiên tàn lụi!?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Hà Tĩnh - Góc khuất sau đại công trường] Kỳ III: Chính quyền nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO