Tại Hà Tĩnh, tôm là sản phẩm chủ lực, đạt sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thực tế nuôi trồng vẫn còn nhiều thách thức, cần có bước đột phá để phát triển.
Từ chính sách tốt…
Thực hiện Nghị quyết “tam nông”, Hà Tĩnh luôn xác định tôm là đối tượng nuôi chủ lực mang lại giá trị cao cần tập trung phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp, áp dụng công nghệ cao trên cát, nuôi an toàn sinh học và quy trình VietGap...
Cụ thể, để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế diện tích đất mặt nước và các nguồn lực để phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 Quy hoạch nuôi trồng thủy sản từ năm 2012. Trong đó có Quyết định số 2821/QĐ-UBND ngày 27/9/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi tôm trên cát công nghệ cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2015, định hướng 2030. Diện tích quy hoạch 4 vùng, 200 ha (Xuân Liên,huyện Nghi Xuân; Thạch Trị-Thạch Lạc, huyện Thạch Hà; Cẩm Dương-Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên).
Theo đó, đã bắt đầu hình thành nhiều mô hình nuôi tôm ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh... được đầu tư bài bản, quy mô lớn đã mang hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn tỉnh có 805 ha nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát; đặc biệt, đã hình thành được 6 vùng nuôi tôm VietGap với quy mô 150 ha, 14 mô hình nuôi an toàn sinh học.
Nuôi tôm trên cát đã tạo được sức lan tỏa, chuyển mạnh từ hình thức nuôi nông hộ, quy mô nhỏ sang doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 40 HTX, tổ hợp tác và 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi tôm công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
19:24, 27/03/2019
15:03, 15/03/2019
04:06, 29/11/2018
09:05, 03/10/2018
... đến phát triển “nóng”
Những năm trước, Hà Tĩnh được biết đến như một hình mẫu của việc áp dụng công nghệ nuôi tôm trên cát với doanh thu bình quân 100 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 2018, nuôi tôm trên cát bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, diện tích và sản lượng nuôi ngày một teo tóp. Ngoài nỗi lo tôm rớt giá, người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (xã Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh), việc tỉnh xác định đưa tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực của địa phương những năm qua chính là cơ hội lớn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển dự án nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên việc tôm trở thành sản phẩm chủ lực cũng là lúc xuất hiện rất nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ cũng như các hộ dân tự phát đã phát triển ồ ạt, ngoài quy hoạch trong khi bản thân họ cũng chưa hiểu sâu lĩnh vực nuôi trồng, không kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc…). Hệ hụy của việc phát triển nóng này đã vô hình dung phá vỡ quy hoạch và thực trạng hiện nay chính là việc lây nhiễm chéo lẫn nhau.
Theo bà Hạnh, 6 tháng đầu năm 2017, Sao Đại Dương thua lỗ hơn 10 tỷ đồng do toàn bộ 20 triệu con giống thả nuôi được một thời gian ngắn thì bị chết. Từ đó đến nay, đơn vị chỉ đủ khả năng duy trì sản xuất khoảng 10% diện tích ao nuôi. “Năm 2018, dù chúng tôi cố gắng lắm cũng chỉ đạt sản lượng hơn 200 tấn", bà hạnh chia sẻ.
Theo phản ánh của người dân xung quanh, do mật độ ao nuôi được quy hoạch khá dày đặc cho nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều trở ngại. Chỉ tính riêng đoạn bờ biển dài 500 m ở thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị có đến năm cơ sở nuôi tôm với diện tích 200 ha. Trong khi đó, hệ thống kênh mương cấp thoát nước ở đây chưa được quy hoạch chi tiết. Khi có hộ nuôi tôm bị dịch bệnh nước ao xả thẳng ra môi trường khiến các hộ khác bị “dính” theo. Vì vậy, lượng khuẩn gây ra bệnh gan tủy tại khu vực này luôn nằm ở ngưỡng cao nhất tỉnh.
Tại huyện Cẩm Xuyên, trong tổng số 119 ha diện tích đang được sử dụng để nuôi tôm trên cát của địa phương, có đến hơn 50 ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch. Đến nay, sau một vài vụ nuôi đầu cho hiệu quả kinh tế cao, hầu hết các hộ nuôi cũng đang điêu đứng theo tôm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) Đặng Trọng Thạch, bên cạnh tác động của thị trường thì những yếu kém trong công tác vệ sinh môi trường đã và đang tác động ngược trở lại, buộc các hộ nuôi phải “treo” ao hoặc sản xuất cầm chừng.
Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy Sản , thực tế kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ nuôi là đúng quy hoạch, tuy nhiên do quy trình nuôi lạc hậu, hệ thống ao đầm nhiều vùng nuôi chưa đảm bảo yêu cần kỹ thuật, không sử dụng ao lắng, xử lý nước, bùn thải mà xả lộ thiên, trực tiếp ra biển. Bên cạnh đó, với điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu tại các ao nuôi.
Cũng theo ông Cần, tất cả những cơ sở nuôi phải thực hiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án tại nhiều trang trại nuôi tôm không tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường chung quanh và hiệu quả nuôi tôm trên cát. Một nguyên nhân nữa chính là thiếu tính liên kết trong vùng nuôi, “mệnh ai người ấy lo” cũng là thực trạng dẫn tới việc xả thải vô tội vạ ra môi trường.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở nuôi tôm ven biển còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên.
Theo Giám đốc công ty Sao Đại Dương, Bộ, ngành và tỉnh cần sớm rà soát, đánh giá lại hiện nay cái nào thành công, cái nào chưa thành công để sớm điều chỉnh cho phù hợp và đưa ra cơ chế kiểm soát vùng nuôi (có đơn vị kiểm soát, theo dõi thường xuyên) tránh việc gây ô nhiễm chéo như hiện nay. Bản thân các đơn vị tham gia nuôi trồng thủy sản cũng cần phát huy nội lực, nâng cao nhận thức đảm bảo hiệu quả trong nuôi trồng.
Đối với lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn lớn trong khi trình độ hiểu biết, nắm bắt và áp dụng kỹ thuật nuôi còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo Chi Cục Thủy sản cho biết, năm 2019, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời, quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng hiện đại ở một số vùng nuôi tôm trên cát. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế.