Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đang chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị đề án định hướng lại việc thu hút FDI có chọn lọc trong giai đoạn tới...
Chuyển giá rất nghiêm trọng nhưng là câu chuyện dài, phải đánh giá và có nhiều giải pháp nữa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định.
Sáng 8/5 sau khi nghe các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các nội dung này.
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý đặt vấn đề dư luận chung rất băn khoăn về tình hình chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số liệu cho thấy thu từ khu vực này không đạt trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh rất là tốt, và báo cáo của Chính phủ chưa có phân tích, đánh giá về chuyển giá của khu vực này.
Hồi âm đại biểu Tuý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về chuyển giá năm 2018, đã thanh tra, kiểm tra 95.940 cuộc, xử lý thu về 19.000 tỷ đồng, thực tế đến hết năm thu về 14.740 tỷ đồng. Ngoài ra, xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2017 xử lý giảm lỗ là 37.000 tỷ đồng. "Thực trạng đang như thế, chúng tôi thấy rất nghiêm trọng, nên trong Luật Quản lý thuế cần nêu rõ trách nhiệm các cơ quan trong quản lý FDI, từ khâu đầu tư đến khâu sản xuất", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, xử lý về thuế qua thanh tra kiểm tra mới là một phần. Bởi có một số doanh nghiệp FDI họ nói họ đầu tư vào Việt Nam nhiều tỷ USD, nhưng ai đánh giá. "Chúng tôi rất băn khoăn, nếu họ cứ thế khấu hao thì sẽ là chuyển giá ở khâu đầu tư. Còn chúng tôi mới kiểm tra được ở khâu sản xuất, kinh doanh. Đúng là tình hình như anh Tuý nói, vấn đề khá nghiêm trọng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Về nguyên nhân thu không đạt dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích, nguyên nhân đầu tiên là làm dự toán quá cao. Năm 2016, giao tăng 12,2% so với 2015. Trong đó FDI giao tăng 12,8%, trong khi GDP 2016 tăng 6,21%. Năm 2017, giao tăng chung là 18,1%, trong đó khu vực FDI tăng 23,4%, quá cao so với tăng GDP năm 2017 là 6,81%, cộng với khoảng 4% lạm phát, như vậy là cao gấp đôi tốc độ tăng của GDP và lạm phát.
Năm 2018, giao dự toán 3 khu vực này là 21,6%, khu vực doanh nghiệp nhà nước là 13,1%, khu vực FDI là 30,1%, quá cao so với tăng trưởng kinh tế là 7,08% và lạm phát 4%. "Chúng tôi đã báo cáo Quốc hội, và rút kinh nghiệm trong dự toán 2019. Đã giao hợp lý hơn, đánh giá hợp lý hơn giữa các khu vực kinh tế và các địa phương. Tuy nhiên, chuyển giá là câu chuyện dài, phải đánh giá và có nhiều giải pháp nữa", ông Đinh Tiến Dũng nói.
Có thể bạn quan tâm
00:17, 12/02/2019
05:02, 11/02/2019
Cùng quan điểm chuyển giá là câu chuyện dài từ 30 năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, chuyển giá xảy ra ở 2 khâu, khâu đầu tư ban đầu và ở khâu sản xuất, kinh doanh. Ở khâu đầu tư ban đầu, Luật Đầu tư trước đây có quy định là yêu cầu phải giám định tài sản đầu tư ngay sau khi đầu tư xong để xác định giá trị tài sản chính thức, từ đó mới tính khấu hao và hạch toán thu nhập chịu thuế.
"Lúc đó, chúng ta đã thực hiện điều khoản này nhưng trên thực tế triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1992, chúng ta thuê một công ty giám định độc lập vào giám định 17 dự án thì cả 17 dự án đều sai phạm. Nhưng để đưa ra xử lý về pháp lý thì tranh cãi nhau vô cùng phức tạp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm là sau đó Luật Đầu tư đã bỏ điều khoản này, theo hướng để họ tự giác.
"Nhưng chúng tôi thấy rằng không thể để họ tự giác được nữa. Sau khi đánh giá 30 năm FDI, chúng tôi thấy đây vẫn là kẽ hở, khi họ chỉ đầu tư 10 triệu USD nhưng khai 20 triệu USD, thì toàn bộ khấu hao tài sản cố định họ rút ra được hết, làm giảm thu nhập chịu thuế. Đây là hiện tượng lỗ giả, lãi thật, xảy ra rất lâu rồi", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, khi sửa Luật Đầu tư tới đây, dự kiến đưa vào điều khoản, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể thuê công ty giám định giám định lại tài sản đầu tư. Để ra cơ chế mở đó để trường hợp nào cần thì áp dụng, bên bị giám định phải trả chi phí giám định. Như vậy mới khắc phục được tình trạng này phần nào. Còn kiểm tra ở khâu sản xuất kinh doanh thì Bộ Tài chính đã làm.
Về thiếu liên kết giữa hai khu vực doah nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được ông Tuý đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây đúng là câu chuyện lớn, tồn tại sự lệch pha giữa hai khu vực, mà chúng ta hay gọi là hai nền kinh tế trong một quốc gia.
Nguyên nhân, theo người đứng đầu ngành kế hoạch - đầu tư thì có nhiều, tựu chung là 2 vấn đề lớn. Một là trình độ, năng lực của hai khối lệch nhau, về năng lực công nghệ, nguồn vốn, tham gia thị trường, kết nối thị trường,…
Hai là khi doanh nghiệp lớn vào đầu tư, họ thường kéo mạng lưới đi theo, doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được yêu cầu của họ, nên họ không sẵn sàng đặt hàng doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi của họ. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước cũng không mạnh dạn đầu tư, e ngại khi đầu tư rồi mà không được tham gia mạng lưới…
Giải pháp sắp tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đang chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị đề án định hướng lại việc thu hút FDI có chọn lọc trong giai đoạn tới, sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI. Theo đó, đưa ra một số chính sách, gắn với ưu đãi, khuyến khích họ kết nối với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ, để doanh nghiệp trong nước tham gia được bằng chính sách ưu đãi.
Trước đây chủ yếu là kêu gọi, nhưng không hiệu quả. Sắp tới phải có chính sách, ưu đãi cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.