Vào những ngày này trên một con phố cổ nhà nhà xếp hàng mua bánh trung thu như thời bao cấp ngày xưa xếp hàng mua lương thực.
Luôn “cháy” hàng
Nhiều ngày qua, trên đường Cầu Đất, phường Cầu Đất, TP. Hải Phòng, luôn xảy ra cảnh tắc đường khi hàng ngàn người dân trên địa bàn kéo nhau tới các cửa hàng bánh Trung thu truyền thống để mua bánh.
Ghi nhận của phóng viên, tại hiệu bánh Trung thu Đông Phương 172 Cầu Đất (Hải Phòng), không quản ngại thời tiết mưa nắng, từ 6 giờ sáng, người dân xếp hàng, xô đẩy, chen nhau mua bánh trung thu. Cảnh cãi vã, xếp hàng, tắc đường là điều dễ dàng nhìn thấy ở những tiệm bánh truyền thống trên tuyến đường này.
Một trong những lý do mà thực khách chọn sản phẩm của cửa hàng này đó là rất nhiều người lại thích hương vị truyền thống của Bánh Trung thu làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Bánh Trung thu của các công ty sản xuất hàng loạt có bao bì bắt mắt, nhiều điểm nhấn và ngày càng hướng đến tính sang trọng thì bao bì đóng gói của cửa hàng bánh truyền thống này được làm khá “thô sơ” và theo sự nhận xét của người tiêu dùng thì đó mới là nét truyền thống mà họ cần. Người Hải Phòng ngoài mua cho gia đình còn mua bánh Trung thu để đi biếu
Anh Nguyễn Quang Hưng, ở phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, 8h sáng đã có mặt tại đây. Phải tới hơn 9 giờ mới đến lượt anh mua bánh. Anh vui vẻ cho biết, đã nhiều năm nay anh thường xuyên mua bánh Trung thu Đông Phương để ăn và tặng bạn bè trong dịp Trung thu. Gia đình anh thích bánh truyền thống có giá cũng không rẻ hơn các loại bánh khác hiện đại là mấy, nhưng quan trọng nhất là ngon, đảm bảo vệ sinh và hợp khẩu vị mẫu mã mua làm quà biếu cũng rất lịch sự”.
Bánh Trung thu truyền thống thường có giá từ 50.000 - 200.000 đồng/chiếc, loại bánh đặc biệt có giá khoảng từ 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc. Mặt hàng bánh mà người dân ưa chuộng và mua nhiều nhất là bánh dẻo, bánh nướng với các hương vị cổ truyền như: thập cẩm đỗ xanh, thập cẩm trứng muối, thập cẩm thịt lợn nạc…Bánh Trung thu truyền thống không sử dụng chất bảo quản nên chỉ dùng ngon nhất trong vòng 7 ngày... Nhân viên trong cửa hàng luôn làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.
Mê hương vị bánh cổ truyền, chị Bùi Thị Thảo (Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Năm nào cũng phải xếp hàng mua bánh mà mỗi lần mua chỉ được mua 3 hộp bánh nên năm nay tôi quyết định rủ đứa cháu gái đi cùng để có thể mua được 6 hộp, mình vừa để ăn, vừa để mang đi biếu”.
Chị Thảo chia sẻ: “Tôi nghĩ cửa hàng nên mở rộng hơn, tăng nhân lực để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, chứ xếp hàng rồi muốn lựa chọn bánh cho phù hợp với nhu cầu của mình cũng không được thì “hơi quá đáng”. Chưa kể đến do đông đúc, áp lực, nhân viên không còn giữ được thái độ niềm nở với khách hàng”.
Trái ngược với cảnh xếp hàng, xô đẩy, chen nhau mua bánh Trung thu truyền thống ở phố Cầu Đất, trên nhiều tuyến đường sầm uất nhất Hải Phòng như Tô Hiệu, Lạch Tray… các gian hàng bán bánh Trung thu của các công ty bánh kẹo nổi tiếng trong nước lại thưa thớt người tới mua bánh.
Vẻ cân đối từ hoài niệm quá khứ
Cố nhà dân tộc học Đào Hùng trong cuốn Câu chuyện ẩm thực dưới góc nhìn lịch sử cho rằng với người VN, Trung thu là ngày lễ nông nghiệp, mùa thu là mùa âm thịnh được mặt trăng ngự trị. Vì thế, họ thường xem trăng để đoán tương lai mùa màng. Nếu trăng sáng vụ thu hoạch sẽ tốt, trăng vàng là điềm báo tằm nhả nhiều tơ, trăng có vết đen mờ là điềm báo chiến tranh. Tàn dư của tín ngưỡng vẫn còn lại trong cách ăn uống và chơi vui thời hiện đại.
“Chiếc nguyệt bính được người Việt gọi là bánh dẻo vẫn làm bằng bột gạo nếp có màu trắng, tuy vỏ ngoài hơi khác nhưng nhân vẫn là những thứ hạt như người Trung Quốc thường làm gồm: trứng, mỡ phần thái nhỏ, hạt dưa, vừng, hạt dẻ, hạt sen, bí đao, quất… Bên cạnh đó, chiếc bánh nướng hình tròn cũng là biểu tượng mặt trăng, lại có thêm hình con lợn nái hay đàn lợn con, tất cả đều là hình ảnh cầu cho sinh sản gia tăng”, ông Đào Hùng viết.
“Gọi là bánh truyền thống nhưng gốc gác bánh trung thu cũng không phải của VN. Nhưng cách làm truyền thống kiểu VN, và kiểu Hải Phòng thì có. Tuy cùng nguyên tắc nhân bánh là các loại đậu đỗ sen hay mứt thì nhân bánh truyền thống cũng giữ được vị thanh nhẹ rất riêng”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Việt kiều Đức chia sẻ. Bánh trung thu truyền thống của các nghệ nhân có tiếng tại khắp cả nước như Hải Phòng đều có từ giá trị truyền thống. Trước kia chưa sang Đức mỗi dịp trung thu về gia đình đều lựa chọn loại bánh nhân thập cẩm truyền thống. Nay ở nước bạn được nhận một hộp bánh của quê hương lòng bồi hồi xúc động lắm.
Nhiều người cứ quấn quýt lấy hương vị bánh xưa như vậy. Trên bản đồ bánh trung thu truyền thống Hải Phòng, có thể thấy sự phân bổ “co cụm” của nhiều thương hiệu nổi tiếng ở khu phố Cầu Đất. Ở đó, đồng loạt có: Đông Phương; Thanh Lịch; Như Ý; Bình Minh; Kim Thanh...
Nếu như bánh Thanh Lịch vỏ thơm dịu, nhân cân đối về màu sắc và độ giòn thơm của mứt, vừng và hạt dưa, độ ngọt vừa phải thì dẻo đậu xanh trứng mặn là món trội nhất của ông Nhuận. Bánh Đông Phương được khen ngợi vô cùng vì món bánh nướng thập cẩm, với vị ngậy được kiểm soát rất tốt của nhân...
Gia đình anh Ngô Tùng – Hải An cuối cùng cũng đã đóng xong gói hàng trung thu để gửi sang châu Âu cho chị gái. Rất nhiều bánh nướng, bánh dẻo hiệu Đông Phương. Anh Tùng chia sẻ: “Đông Phương lúc nào cũng đắt hàng bánh trung thu. Vị ngon thanh thoát, ngọt ngào, thơm sâu lắng. Lúc cao điểm, cũng xếp hàng mãi mới đến lượt thì được thông báo hết hàng. Nói chung, vào những ngày này cửa hàng Đông Phương xếp dài mua bánh như thời bao cấp xếp hàng mua gạo, thịt. Với gia đình tôi năm nào cũng mua biếu và gửi cho các chị ở nước ngoài. Nhà tôi ăn bánh Đông Phương hàng chục năm nay rồi, chúng tôi ăn và thấy vẫn như xưa”, anh Tùng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 25/08/2019
07:59, 10/09/2019
Bà Đặng thị Thanh Hương – GĐ công ty bánh mứt Đông Phương chia sẻ: Do đặc trưng là bánh tươi với hạn sử dụng không quá 10 ngày, lại có những nguyên liệu phải tự làm, nên số lượng bánh sản xuất của Đông phương cũng có hạn. Thời điểm này, chúng tôi không sản xuất kịp. Mặc dù vậy chúng tôi cũng quản lý nguyên liệu đầu vào rất quy chuẩn. Cụ thể hạt sen, mỡ muối đều do nhà tự làm. Chưa kể, với bánh đỗ xanh, Đông Phương dùng đỗ xanh nguyên vỏ ngâm rồi mới đãi làm bánh. Như thế, vị đỗ xanh sẽ thơm ngậy hơn. Bánh nhân thấp cẩm, Đông Phương tự làm lấy hạt sen ngay khi sen vào mùa theo cách riêng, như thế để giữ hương sen nguyên vẹn. Một mặt nữa “Mỡ muối tôi phải kén mỡ gáy, phải muối 4 tháng mới ngon. Lúc đó mỡ trong và không ngấy. Bản thân mỡ gáy cũng có độ giòn và không ngậy quá như mỡ thăn. Miếng mỡ muối khi thái ra phải trong veo mới là đạt. Lúc đó bánh trung thu sẽ béo mà không ngấy”, chị Hương bật mí bí quyết làm bánh. Đông Phương cũng chủ động trong việc làm các nguyên liệu khác của bánh trung thu. Đặc biệt, Đông Phương vẫn giữ cách đập bánh dẻo truyền thống, dùng lòng trứng tạo độ trắng chứ không dùng hóa chất để tẩy màu. Chị Hương lưu ý nếu bánh dẻo quá trắng mà không có độ ngà ngà thì đã dùng thuốc tẩy rồi.