Tiến độ lập quy hoạch dự án mới thay thế dự án đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông (bị dừng vĩnh viễn năm 2022) đến nay đang bị muộn hơn so với cam kết.
Sau 14 năm triển khai với tốc độ “rùa bò”, đến năm 2022, dự án đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông đã bị dừng vĩnh viễn và được thay thế bằng dự án mới với mặt cắt mặt đường 35m.
Chậm điều chỉnh
Trước đó, Thường trực Thành ủy đã có Thông báo số 242-TB/TU ngày 11/6/2021 và UBND TP Hải Phòng có Thông báo số 272/TB-UBND ngày 27/5/2022, giao cho các ngành, trong đó có Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất trình tự, thủ tục dừng thực hiện dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông và nghiên cứu đề xuất việc tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường có mặt cắt nhỏ hơn.
Ngày 3/6/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có Công văn số 516/BQL-PTDA đề xuất phương án điều chỉnh mặt cắt ngang toàn tuyến đường là 35m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.370 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 52 tháng.
Ngày 1/6/2022, Sở Xây dựng có Công văn số 2107/SXD-QHKT trong đó nêu ý kiến: Phương án điều chỉnh bề rộng mặt cắt ngang tuyến đường trên dự kiến 35m là phù hợp với định hướng quy mô tối thiểu theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung kỳ này nhưng phải điều chỉnh Quy hoạch phân khu quận Hải An và Ngô Quyền theo quy định.
Theo dự kiến về nguồn ngân sách thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP Hải Phòng xin ý kiến Ban Thường vụ Thành uỷ đồng ý chủ trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2024 và triển khai dự án trong giai đoạn trung hạn 2026-2030 và tiến độ thực hiện triển khai trong 2 năm 2026-2028. Theo kế hoạch nêu trên, sẽ có tuyến đường mặt cắt 35m, hoàn thành trong năm 2028.
Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng ông Phạm Văn Lập đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục và công bố công khai để Nhân dân biết, trong đó sớm có chủ trương xây dựng dự án mới thay thế dự án đường 100m trước đây. Cùng với đó xác định rõ phạm vi những hộ dân nào nằm ngoài dự án mới để người dân được thực hiện các quyền lợi về đất đai, công trình theo quy định.
Tuy nhiên, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hải Phòng khoá XV, nhiều đại biểu đã có những câu hỏi liên quan đến việc chậm triển khai, thực hiện tiến độ các dự án, trong đó có dự án tuyến đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông (đã bị dừng vĩnh viễn năm 2022).
Cụ thể, đại biểu HĐND TP Hải Phòng nêu, tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND thành phố đã có chủ trương xây dựng dự án mới thay thế dự án tuyến đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông, đồng thời phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu vực, hoàn thiện chậm nhất vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, đến nay, điều chỉnh quy hoạch chi tiết vẫn chưa được phê duyệt. Đại biểu HĐND thành phố nhận thấy, tiến độ giải quyết những vướng mắc đối với dự án này còn chậm, người dân trong khu vực còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, tuyến đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông nằm trên hai địa bàn quận Hải An và Ngô Quyền. Trách nhiệm lập quy hoạch dự án mới thay thế để trình UBND TP Hải Phòng phê duyệt thuộc trách nhiệm hai quận này. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch đến nay đang muộn hơn so với cam kết.
Hiện, quận Ngô Quyền đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND thành phố, dự kiến tháng 1/2025 sẽ xong quy hoạch 1/2000 quận Ngô Quyền. Đối với quận Hải An, dự kiến tháng 5/2025 mới có thể phê duyệt được quy hoạch.
Hệ luỵ để lại
Trước khi HĐND TP Hải Phòng có chủ trương đầu tư dự án mới thay thế dự án đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông, cuộc sống của gần 2.000 hộ dân quận Hải An, Ngô Quyền liên quan đến dự án đã phải rất khổ sở vì phải "sống chung" với dự án này. Cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào của Hải Phòng điều tra, đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội và những vấn đề phức tạp phát sinh, những hệ luỵ do tiến độ “rùa bò” của đường Lạch Tray - Hồ Đông gây ra. Nhưng, thực tế cho thấy, 14 năm qua, từ khi dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông được triển khai, hàng trăm hộ dân thuộc các quận Hải An, Ngô Quyền luôn chuẩn bị tâm thế di dời nơi ở đi nơi khác. Nhiều hộ gia đình có nhà cửa sau nhiều năm xuống cấp, dột nát, muốn sửa chữa, xây mới, muốn chia tách đất cho người thân, chuyển nhượng quyền sử dụng đều bị… “tắc”.
Rất nhiều gia đình do chờ đợi “dự án treo” quá lâu đã phải sửa chữa nhà cửa tạm bợ để ở. Thậm chí, họ phải “chạy” mới được xây dựng nhà ở với quy mô từ 1 đến 2 tầng nhưng buộc phải ký cam kết, nếu dự án thu hồi sẽ tự nguyện không được đòi bồi thường cho phần xây dựng mới. Nhiều gia đình muốn chuyển nhượng nhà cửa, đất đai để chuyển đi nơi khác thì không thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua, nên đành phải chấp nhận chuyển nhượng với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều.
Thậm chí, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trong vùng dự án muốn thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng thì rất khó khăn khi duyệt các thủ tục thế chấp. Giá trị thế chấp do hạn chế về mặt pháp lý, nằm vùng quy hoạch dự án, nên giá trị tài sản được các tổ chức tín dụng đánh giá, cho vay rất thấp so với thực tế tài sản ở các khu vực khác không có quy hoạch dự án.
Và đến nay, do việc điều chỉnh quy hoạch dự án mới thay thế dự án cũ vẫn chưa xong nên người dân trong khu vực dự án không được sửa chữa, chuyển nhượng tài sản, nhà cửa. Như vậy, sau 14 năm phải sống khổ sở, sống cảnh tạm bợ, xuống cấp vì nằm trong vùng quy hoạch dự án. Hiện tại, dự án đã bị dừng vĩnh viễn nhưng người dân trong vùng dự án này vẫn phải tiếp tục khổ sở vì phải đợi quy hoạch dự án mới.