Mục tiêu này được đặt ra trong Nghị quyết 45/NQ-TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng sẽ cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia,…
Tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4%, bình quân đầu người đạt 14.700 USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 180.000 - 190.000 tỷ đồng. Không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia).
Đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%, bình quân đầu người đạt 29.900 USD. Thu ngân sách đạt 300.000 – 310.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu này, Hải Phòng phải thực hiện đồng bộ 8 giải pháp:
1 - Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó các nguồn lực xã hội (cả trong nước và nước ngoài) là động lực quan trọng, các nguồn lực Nhà nước giữa vai trò định hướng dẫn dắt.
2 -Coi trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hâu, nước biển dâng.
3 – Đẩy mạnh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
4 – Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.
5 – Xây dựng, phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước.
6 – Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và xông bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
7 – Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữa vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội.
8 – Tập chung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vài trò làm chủ nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trontg thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, kinh tế của Hải Phòng có mức tăng trưởng khá cao, gấp 1,68 lần bình quân chung cả nước. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, kinh tế Hải Phòng tăng gấp 4,27 lần. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước; tăng 5,43 lần so với năm 2003.
Có thể bạn quan tâm
13:49, 23/01/2019
23:49, 02/12/2017
14:45, 19/01/2019
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Hải Phòng khẳng định là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường; hệ thống hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá, nhiều công trình được nêu trong Nghị quyết đã hoàn thành.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực, hướng đến thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại. Nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần cải thiện điều kiện sống, lao động sản xuất của người nông dân.
Tuy nhiên, kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Hải Phòng chưa phát huy rõ nét vai trò là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh; liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, một số dự án, công trình ghi trong Nghị quyết số 32-NQ/TW nhưng đến nay chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng tiến độ còn chậm. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thành phố…