Hiện còn 50% số doanh nghiệp làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng (Thủy Nguyên) chưa có mặt bằng, xưởng sản xuất vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Trao đổi với PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Đúc cơ khí truyền thống Mỹ Đồng cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm đòi hỏi doanh nghiệp phải có mặt bằng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ.
Cả doanh nghiệp, người dân lẫn chính quyền địa phương đều rất bức xúc trong vấn đề quy hoạch làng nghề, mở rộng mặt bằng sản xuất. Có những doanh nghiệp chỉ chừng 100 - 150 m2 đất vườn để làm nhà xưởng, nhưng có đến 150 công nhân làm việc mỗi ca. Chỗ đứng cho công nhân đã không đủ, thì làm sao hàng hóa, nguyên vật liệu không ra đổ lấn ra đường? - ông Thanh chia sẻ.
Được biết, năm 2017, HĐND huyện Thủy Nguyên thông qua đề án thành lập CCN làng nghề Mỹ Đồng. Theo kế hoạch, CCN được thực hiện trong 3 năm từ 2017 đến năm 2019. Theo đề án, CCN làng nghề Mỹ Đồng được xây dựng trên diện tích 28,1ha với tổng mức đầu tư là 280 tỷ đồng, gồm các hạng mục công trình hành chính, dịch vụ, nhà máy, kho bãi, cây xanh, mặt nước, kỹ thuật xử lý nước thải, giao thông... Khi CCN được đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng mặt bằng cho 59 cơ sở sản xuất. Nhưng mặc doanh nghiệp mỏi mắt chờ, đến nay CCN làng nghề Mỹ Đồng vẫn không nhúc nhích.
Đi dọc những con đường của làng nghề, không khó để thấy xỉ than - đúc đồng thải, rẻ lau dầu... la liệt vệ đường. Quá trình nung chảy nguyên liệu là khâu gây ảnh hưởng tới môi trường nhiều nhất. Sản phẩm khi bị nung chảy có mùi khét lẹt, tức ngực khó thở. Vào làng nghề cứ như vào mê cung. Bao trùm lên cả làng là khói trắng và bụi. Không khí như đặc quánh, ngột ngạt nhất là vào những ngày nóng. Các khâu cắt mài, dũa tạo tiếng ồn của đe, búa, máy móc gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng... Việc sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ lạc hậu, dẫn tới khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO2, CO, SO2... không được xử lý triệt để. Quá trình tái chế và gia công cũng gây phát sinh các khí độc như hơi a-xít... khiến môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề.
Trước thực tế trên, UBND xã Mỹ Đồng cũng đã có nhiều báo cáo gửi lên UBND huyện Thủy Nguyên, UBND TP Hải Phòng đề nghị sớm cho các doanh nghiệp sản xuất tách khỏi khu dân cư vào khu làng tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đề nghị nhanh chóng triển khai CCN để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, không phải chịu sức ép từ phía người dân.
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mở rộng, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Do đó, các doanh nghiệp làng nghề đã rất nhiều lần đề nghị huyện Thủy Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án CCN làng nghề. Đồng thời, đề nghị UBND TP triển khai dự án cải thiện môi trường khu vực làng nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai - ông Thanh cho biết thêm.
Năm 2004, làng nghề Mỹ Đồng giai đoạn 1 đã được đưa vào khai thác nhưng cùng với điểm công nghiệp tại xã Kiền Bái (11ha) mới chỉ đáp ứng được cho 48 cơ sở sản xuất. Còn 50% số doanh nghiệp trong làng nghề chưa có mặt bằng, xưởng sản xuất vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Theo UBND huyện Thủy Nguyên, nguyên nhân việc triển khai đề án xây dựng CCN chậm do liên quan đến điều chỉnh quy hoạch. Khi xây dựng đề án, huyện đề xuất xây dựng CCN trên diện tích hơn 28 ha. Nhưng nhận thấy nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn nên huyện chỉnh sửa, mở rộng đề xuất TP phê duyệt xây dựng CCN lên 40 ha. Tuy nhiên, đến ngày 1/10/2018, UBND thành phố có Quyết định 2552 về phê duyệt các CCN được quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 thì CCN làng nghề Mỹ Đồng chỉ được quy hoạch 20 ha. Hiện tại, doanh nghiệp được giao thực hiện dự án xây dựng hạ tầng CCN đang triển khai các thủ tục liên quan. Đối với dự án cải thiện môi trường làng nghề, tuy thành phố đã có chủ trương, song do thay đổi về cơ cấu nguồn vốn nên đang xem xét điều chỉnh lại.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 26/05/2019
12:25, 25/05/2019
14:19, 24/05/2019
Với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ khí, làng nghề Mỹ Đồng đang đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển ngành công nghiệp của Hải Phòng. Những sản phẩm như: chân vịt tàu thủy, bạc biên, tăng bua, vỏ môtơ điện, khung xe máy.... đã có mặt khắp các thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do khó khăn về mặt bằng sản xuất, doanh nghiệp khó mở rộng quy mô cũng như đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất. Thực tế này cho thấy việc triển khai đầu tư xây dựng CCN và dự án cải thiện môi trường làng nghề đang trở nên rất cấp thiết.