Với sứ mệnh thúc đẩy liên kết vùng trên nền tảng thế mạnh logistic của Hải Phòng, nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood sẽ hoàn thành đi vào hoạt động từ năm 2021.
Mới đây, UBND huyện Tiên Lãng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả Haphafood. Theo đó, dự án được xây dựng trên quy mô hơn 15,4ha tại Lô CN4 tại Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Haphafood.
Theo quy hoạch, đất xây dựng công trình đạt tỷ lệ 48,2%; đất cây xanh 23,8%; đất giao thông, sân đường nội bộ 22,2%… không gian kiến trúc cảnh quan, không gian khu vực lập quy hoach được tổ chức dạng ô bàn cờ hình thành hệ thống giao thông nội bộ liên hoàn khai thác tốt các khu chức năng của nhà máy. Tổ chức giao thông nội bộ phù hợp với các hạng mục công trình, ánh sáng, cây xanh, hồ điều hòa tạo thành một tổng thể cảnh quan môi trường nhà máy và Cụm công nghiệp.
Nhà máy có công nghệ sơ chế và chế biến trái cây, rau quả đạt tiêu chuẩn quốc tế và là một trong những nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao, hiện đại nhất Việt Nam với 6 dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu. Toàn bộ quy trình sản xuất khép kín với những quy định nghiêm ngặt và tự động hóa chiếm 80%. Quy trình bán động động và thủ công chủ yếu ở các khâu lựa chọn trái cây, cắt gọt vỏ, tạo hình. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng, đã được khởi công từ tháng 5/2019, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong quý I/2021 với công suất đạt 150.000 tấn nguyên liệu/năm.
Khi dự án được hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh rau, củ quả tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Lão cung ứng cho nhà máy. Các sản phẩm được thu mua sẽ được phân loại, loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi, loại 2,3,4 sẽ được sản xuất ra các sản phẩm như: nước ép trái cây cô đặc, trái cây đông lanh, củ quả đông lạnh, xử lý rau tươi (rau ăn lá), trái cây sấy (giòn, dẻo, lạnh), nước trái cây đóng lon, nước trái cây đóng chai.
Phát biểu tại lễ khởi công nhà máy, ông Phạm Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lavifood chia sẻ, “Chúng tôi không chủ trương làm nguyên liệu. Ai giỏi việc gì làm việc ấy. Nguyên liệu là nông dân làm. Chúng tôi tập trung hết sức để tìm thị trường, đầu tư chế biến và bắt tay với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Đó là cách để cùng phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau”.
Để phục vụ cung ứng vùng nguyên liệu cho nhà máy, UBND TP Hải Phòng đang xây dựng đề án “Phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, cùng với việc duy trì phát triển vùng sản xuất vùng rau chuyên canh và vùng trồng cây ăn quả hiện có là 2.250 ha, thành phố sẽ chuyển đổi 7.750 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả.
Thực tế, Việt Nam rất giàu tiềm năng về nông sản, nhất là rau củ quả với sản lượng lên tới 22 triệu tấn mỗi năm nhưng chỉ có 9% trong số đó được chế biến. Ví dụ, vừa qua, hàng trăm tấn thanh long bị đổ bỏ đi vì giá quá rẻ, thanh long ruột đỏ chỉ có 3.000- 4.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng thương lái không mua. Bà con đổ bỏ đầy gốc, thậm chí là mang cho bò ăn. Đây chính là một sự lãng phí rất lớn. Với việc xây dựng nhà máy góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, sẽ không còn tình trạng “được mùa- rớt giá” như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn TH khánh thành nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược tại Sơn La
16:48, 20/09/2020
ASM khởi động lắp đặt thiết bị nhà máy điện mặt trời giai đoạn 2 và khánh thành nhà máy nước uống thiên nhiên An Hảo
16:07, 15/09/2020
Tập đoàn Hanaka khánh thành nhà máy cơ khí trọng điểm Quốc gia
07:41, 30/12/2019
Gia Lai:Tập đoàn Trường Sinh khánh thành nhà máy nước uống dược liệu 6 triệu lít
20:03, 23/11/2019