Rất nhiều ngày trôi qua Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hải Phòng đã “đóng cửa” không tiếp công dân. Vậy có chuyện gì uẩn khúc xảy ra với Sở?
Hơn một tuần “đóng cửa” không tiếp đón công dân đối với một Sở của Thành phố là một việc không hề nhỏ. Đặc biệt từ Sở KH&ĐT đến UBND thành phố chưa đầy 500 m. Vì lý do gì Sở KH&ĐT Hải Phòng lại ra quyết định tự nhốt mình như vậy, có điều gì uất khúc bên trong việc này?
Nhiều ngày qua, cứ vào buổi sáng từ 8h đến 11h trưa và buổi chiều từ 14h đến 16h30 lại có một nhóm công dân tầm 20 người đỗ xe trước cổng Sở KH&ĐT Hải Phòng và đòi yêu cầu vào làm việc. Họ gọi tên giám đốc Sở là ông Trần Việt Tuấn, gọi tên một lãnh đạo phòng ban. Đáp lại những tiếng gọi đó là sự im lặng hoàn toàn phía bên trong.
Lẫn trong nhóm người đó là một vài chiến sĩ công an của phường sở tại đứng để “phòng chống” gây rối trật tự công cộng.
Được biết, nhóm người đó là cán bộ công nhân viên của hai công ty Công nghệ phẩm Hải Phòng và Cung ứng tàu biển. Họ đến để gặp người đứng đầu của Sở yêu cầu thực hiện thông báo 07 do Sở đã ký thừa nhận sai trong việc ra giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 4 về người đại diện công ty. Vì việc ra giấy kinh doanh lần thứ tư sai này dẫn đến suốt nhiều tháng qua công ty đã không thể giao dịch ngân hàng và trả lương cho cán bộ công nhân viên.
Có thể bạn quan tâm
12:05, 06/03/2019
10:52, 27/12/2017
Những lùm xùm, tranh chấp xoay quanh hai công ty này là một “cuộc chiến” thập kỷ. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã nói trong phiên đối thoại doanh nghiệp định kỳ ngày 11/3:“đây là một tranh chấp kéo dài cả chục năm mà rất nhiều đời chủ tịch vẫn chưa xử lý được” đủ để thấy tính phức tạp của việc này.
Đại diện phía Sở KH&ĐT cho biết, họ phải đóng cửa lại vì những người của hai công ty này gây rối cho Sở, họ chửi bới, nói to và không đồng ý tiếp công dân theo quy định của Sở. Họ chỉ đồng ý làm việc với Giám đốc Sở chứ không làm việc với lãnh đạo nào khác. “Vạn bất đắc dĩ” mới phải đóng cửa như thế này, làm ảnh hưởng đến công việc và các giao dịch của các doanh nghiệp khi đến Sở liên hệ làm việc. Tâm lý của cán bộ công nhân viên cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Mặc dù Sở có báo cáo lên cấp trên, cũng nhờ sự kết hợp của lực lượng an ninh các cấp nhưng an ninh chỉ có mặt chứ không có can thiệp gì nên buộc phải đóng cửa.
Hải Phòng hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT. Hai công ty trên không phải là duy nhất và Sở cũng không chỉ “phục vụ” cho hai công ty đó. Nếu như doanh nghiệp nào đến Sở mà Sở cũng vì không thể đối thoại được lại đóng cửa như vậy thì các nhà đầu tư khác sẽ như thế nào khi đến với Hải Phòng. Đặc biệt, nếu Sở nào cũng như Sở KH&ĐT cứ gặp “khủng hoảng" là lại “đóng cửa” thì diện mạo của Hải Phòng sẽ ra sao trong mắt các tỉnh khác và bạn bè quốc tế. Chỉ số PCI của Hải Phòng sẽ “tụt dốc” đến thứ bao nhiêu?
Một Sở hàng đầu của Hải Phòng đóng cửa một giờ không tiếp công dân đã là không được, nhưng Sở KH&ĐT Hải Phòng đã đóng cửa dài ngày như vậy thì rất vô lý và khó hiểu. Thực sự nhóm người đó có thể “uy hiếp” được cả một Sở lớn như vậy mà không ai có thể can thiệp được sao?
Chúng ta không luận bàn đến yếu tố đúng sai trong câu chuyện của hai công ty trên với Sở KH&ĐT Hải Phòng mà phải nhìn đến vai trò, trách nhiệm của Sở với hơn 30.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh qua Sở. Sở đã căn cứ vào quy định nào để tự cho phép "nhốt mình" như vậy? Và Sở sẽ “đóng cửa” đến bao giờ?
“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong”, bất luận vì nguyên nhân gì thì việc Sở KH&ĐT Hải Phòng đóng cửa suốt hai tuần qua là hoàn toàn phi lý. Sở né tránh đối thoại hay Sở đang bị uy hiếp, điều này cần phải làm rõ và có giải pháp tháo gỡ khẩn trương. Không thể vì một nhóm người mà khiến cho một Sở phải đóng cửa suốt 2 tuần qua như vậy được.
Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo cần vào cuộc quyết liệt tháo gỡ tình thế này để Sở kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng có thể hoạt động trở lại bình thường, trả lại hình ảnh “trải thảm đỏ” tiếp đón các nhà đầu tư khi đến với Hải Phòng.