Đuối sức trong cuộc đua với các hãng gọi xe ngoại Grab và Gojek, hãng be bắt đầu xoay sang chiến lược mở nền tảng để gọi sức từ cộng đồng, nhằm chung tay đấu lại các gã khổng lồ ngoại.
Cuối những năm 80, và thập niên 90 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Microsoft. Họ thống lĩnh thị trường, đè bẹp mọi đối thủ. Đây là giai đoạn ra đời hệ điều hành Windows, và phần mềm ứng dụng cho văn phòng Microsoft Office. Hai phần mềm thống trị tuyệt đối thị phần toàn thế giới. Có máy tính là có Windows, không có ngoại lệ.
Thời điểm đó, năm 1991, khi đang theo học tại đại học Helsinki, ông Linus Torvalds, 21 tuổi, đã bắt đầu nảy sinh ý tưởng cho một hệ điều hành mới, cạnh tranh với Microsoft, đặt tên là Linux.
Thời bấy giờ, Microsoft chẳng khác nào “khủng long” trên thị trường, còn Linux là “con muỗi” mới ra đời. Cạnh tranh với Microsoft là bất khả thi.
Torvalds đã lựa chọn một con đường khác: Mở mã nguồn của Linux. Điều này có nghĩa, cộng đồng phát triển phần mềm trên toàn thế giới đều có thể chung tay đóng góp phát triển hệ điều hành này.
Nhờ sức của cộng đồng, Linux đã đứng vững. Trở thành cái gai không thể nhổ được trong mắt Microsoft. Thậm chí đến bây giờ, chính Microsoft lại trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Linux.
Nếu như không có việc “mở mã nguồn”, kêu gọi cộng đồng chung sức, chắc chắn Linux không có một cửa nào để cạnh tranh với Windows đã quá mạnh. Có lẽ vì vậy, be khi đuối sức với Grab, Gojek, họ bắt đầu xoay sang chiến lược mở nền tảng của mình, như Linux.
Grab chắc chắc là “ông kẹ” tuyệt đối trên thị trường Việt Nam. Gọi xe Grab chiếm tới hơn 73% thị phần. Không những thế Grab còn mở thêm nhiều loại hình kinh doanh bổ sung vào hệ sinh thái như giao đồ ăn, ví điện tử, và đặc biệt gần đây còn mở thêm Grab Merchant dành cho những thương nhân bán hàng, thị trường thương mại điện tử. Tính tổng quát, thị phần Việt Nam có tới gần 90% rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.
Be gia nhập thị trường gọi xe cuối năm 2018, một công ty non trẻ, nhưng khi gia nhập thị trường cũng giành được những thành công nhất định. Be chiếm được khoảng 16% thị phần thị trường gọi xe Việt. Ban đầu be cũng có ý định đi theo con đường của Grab bằng cách mở thêm mảng gọi thức ăn và thanh toán hóa đơn. Nhưng be nhanh chóng nhận ra mình không đủ lực để cạnh tranh với đối thủ ngoại nhiều tiền nên đã đóng luôn hai mảng khi thậm chí đã tuyển đủ nhân sự quản lý.
Be đang rơi vào tình huống tương tự như Linux, và cũng đang định hướng theo con đường giống Linux.
Be đã quyết định chuyển mình thành một nền tảng mở, tập trung vào nền tảng gọi xe, biến hệ thống phần mềm quản lý của mình thành hệ thống mở để các doanh nghiệp Việt khác đấu nối vào. Be không cần phải tự đầu tư tất cả như Grab mà hợp tác với các đối tác để cùng phát triển.
Đầu năm 2020, beGroup đã hợp tác với hàng loạt ví điện tử như SmartPay, True Money và gần đây nhất là Momo, tích hợp loại hình thanh toán thông minh smartpay, thúc đẩy đẩy thanh toán không tiền mặt. Và mới đây be hợp tác với Vinataxi tung ra dịch vụ beTaxi. Không chỉ có thế doanh nghiệp này còn liên kết với nhiều nhãn hàng lớn như Bosch… để cho ra đời những dịch vụ độc đáo (dịch vụ giao sữa Milky Way).
Chưa biết tương lai be có được thành công với con đường riêng của mình hay không nhưng với chiến lược tại thời điểm kinh doanh đầy khó khăn này dường như là một chiến lược đúng đắn với một doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với ông lớn quá mạnh nước ngoài.
Tương lai của "team vàng"?
Theo báo cáo của ABI Research, trong 2019, Grab là hãng gọi xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Phục vụ 146 triệu chuyến xe, Grab có 73% miếng bánh thị phần. Trong khi đó, be xếp ở vị trí số hai với thị phần 16% cùng 31 triệu chuyến xe thực hiện trong vòng 6 tháng.
Sau hơn một năm hoạt động, ứng dụng gọi xe be đã mở rộng hoạt động tại 10 tỉnh, thành phố Việt Nam. Cùng với đó là 6 loại hình dịch vụ, bao gồm beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), beFinancial (dịch vụ tài chính), beExpress (dịch vụ chuyển phát, bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng) và beLoyalty (chương trình khách hàng thân thiết). Những tưởng, chiến lược đổ tiền đổi tăng trưởng, đặt giá cao, sau đó khuyến mại sâu sẽ giúp be vừa giữ chân được tài xế, vừa có được khách hàng. Nhưng cách làm này đương nhiên sẽ khiến be phải "cắn răng" chịu lỗ. Có lẽ cũng chính vì tình hình tài chính khó khăn của be mà dịch vụ beFood trong lĩnh vực giao đồ ăn đã "chết từ trong trứng nước". Rõ ràng, trên thị trường gọi xe, tiền không phải tất cả nhưng ít tiền thì thì vất vả, đặc biệt nếu đã ít tiền lại còn chậm chân.
Tương lai của các công ty trên thị trường gọi xe lúc này đều là bất định nhưng quan trọng là ở mức ít hay nhiều.