Trong khi cảng hàng không quá tải, nhân sự không đáp ứng được nhu cầu phát triển, thì tiến độ triển khai mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành mất nhiều thời gian.
Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của cử tri về vai trò trách nhiệm của Bộ GTVT trong lĩnh vực hàng không. Trao đổi với DĐDN bên hành lang Quốc hội chiều 5/6, ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, thời gian vừa qua lượng hành khách đi lại trong lĩnh vực hàng không tăng đột biến, vì có nhiều thuận lợi nên số lượng khách ngày càng tăng. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp cũng tăng cường thêm số lượng tàu bay.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 05/06/2019
09:44, 05/06/2019
22:14, 24/05/2019
16:26, 15/05/2019
Nhưng cũng chính việc tăng này đã làm tăng số lần bị hoãn và hủy chuyến bay, cá biệt còn xảy ra một số sự cố trong ngành hàng không. “Tôi đề nghị ngành giao thông phải quyết liệt xử lý, xử phạt hay chế tài nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp trong quá trình khai thác nhưng không thực hiện đúng quy chế an toàn tàu bay”, ông Tuấn nói.
Đối với cảng hàng không, theo ông Tuấn, sân bay Tân Sơn Nhất thì đang quá tải, sân bay Nội Bài về cơ bản cũng đang có dấu hiệu quá tải, còn với sân bay Long Thành thì vẫn đang trong quá trình triển khai. Ông Tuấn nhận thấy Chính phủ đang rất quyết tâm xúc tiến xây dựng sân bay Long Thành, và công tác quản lý đến thời điểm này đang diễn ra rất tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta cố gắng sắp xếp xử lý, phối hợp với các sân bay cùng trên địa bàn thì có thể sẽ ổn định hơn trong vận chuyển bằng hàng không.
“Tôi đề xuất để giảm tải tại các cảng hàng không, thì cần phải có định hướng cho các hãng tàu bay cố gắng bay vào ban đêm. Thời gian này ít xảy ra tắc đường, lượng khách bay đêm có thể ít hơn ban ngày nhưng cũng giảm được đáng kể việc ách tắc trong sân bay”, ông Tuấn đề xuất.
Vẫn theo ông Tuấn, thực tế các nước vẫn thường tổ chức các chuyến bay đêm, còn Việt Nam chỉ tổ chức bay đêm đi quốc tế, còn bay nội địa thì rất ít, một số hãng đến 9 – 10h đêm là hết chuyến, có một số hãng kéo dài đến 0h. Từ thực tế này, ông Tuấn kiến nghị cần tăng cường nhiều chuyến bay đêm thì sẽ giảm được việc ùn tắc và quá tải hiện nay.
Chia sẻ việc xây dựng cảng hàng không của tư nhân thường nhanh hơn các doanh nghiệp nhà nước, theo ông Tuấn là do cơ chế, và trong thời gian tới cũng cần phải điều chỉnh một số luật để việc xây dựng được nhanh và kịp thời hơn. Còn bây giờ phải chấp nhận vì ngành nay vẫn đang trong thời kỳ phát triển, nên cần có sự điều chỉnh để tiệm cận với thực tế. Còn với tư nhân, do họ có vốn sẵn nên có thể thực hiện theo ý của chủ đầu tư.
Đưa ra đề xuất của mình để giải cứu cho việc ách tắc cũng như quá tải của ngành hàng không, ông Tuấn cho rằng, cần phải mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, đồng thời thay đổi một số cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài. Cụ thể, công tác đền bù giải tỏa, nguồn vốn, giải ngân, trong quá trình thực hiện xuất hiện trượt giá nên lại phải điều chỉnh lại… tất cả các điều này đã khiến việc xây dựng các cảng hàng không bị chậm trễ.
Đánh giá về cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng các cảng hàng không, ông Tuấn cho biết, cơ chế hiện nay cũng đã rất thông thoáng và “mau lẹ”, ví dụ sân bay Vân Đồn hay cũng đã có nhà đầu tư xin làm sân bay Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Trả lời tại phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã làm rõ về việc cạnh tranh kinh doanh hàng không cũng như yêu cầu giải trình về “cuộc chiến” giành giật phi công giữa hãng bay. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho rằng, Nhà nước cần có chính sách với hàng không bởi "nếu nói hãng mới thực hiện lôi kéo nguồn lực thì không phù hợp với quy định của Luật Lao động, phải thực hiện đúng quy định chứ không thể nói người ta làm sai." Trả lời, Bộ trưởng Thể, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận có tình huống phát sinh khi những hãng mới, mua về nhiều tàu bay. "Hiện nay, có tình trạng những hãng mới bỏ kinh phí ra để lôi kéo nhân lực của các đơn vị khác, trong đó có hãng hàng không quốc gia Việt Nam khiến toàn bộ các kế hoạch của hãng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin. Đưa ra các giải pháp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định: “Bộ Giao thông Vận tải đang thận trọng xem xét, cho chủ trương trên cơ sở đảm bảo công bằng giữa hãng hàng không Quốc gia và tư nhân". |